Hối hả trên công trường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh thành phần 2

Hối hả trên công trường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh thành phần 2
3 ngày trướcBài gốc
Công nhân làm việc trên công trình đoạn qua địa bàn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp).
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) đứng đầu liên danh trúng thầu công trình.
Sau lễ khởi công, các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi công quyết liệt, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo an toàn với chất lượng tốt nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết, theo ghi nhận, các nhà thầu đã khẩn trương triển khai 41 mũi thi công, huy động 110 phương tiện, thiết bị và gần 300 công nhân, kỹ sư hối hả tổ chức thi công xuyên Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các gói thầu theo yêu cầu.
Hiện, các nhà thầu cơ bản triển khai thi công tất cả các cầu trên tuyến. Riêng phần đường, đang tập trung bóc, tách tầng đất mặt để khi có cát về sẽ tập trung nhân lực, thiết bị tăng tốc thi công.
Chỉ sau khoảng 4 tháng kể từ ngày chính thức khởi công, giá trị thi công đạt trên 154 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,28% giá trị xây lắp. Hiện, nhà thầu phấn đấu cơ bản hoàn thành đường công vụ trước Tết Nguyên đán năm 2025.
Thượng tá Vũ Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đường công vụ hoàn thành sớm là yếu tố quan trọng để nhà thầu huy động phương tiện, vật tư, nhân lực tập trung thi công các bước tiếp theo nhằm sớm đưa công trình về đích, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đảm bảo tiến độ dự án cũng như tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn, tích cực giúp nhà thầu rút ngắn thời gian thi công theo kế hoạch đề ra, Tiền Giang quan tâm giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư theo từng giai đoạn dự án; chi trả bồi thường kịp thời và giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà thầu, tìm nguồn cát và vật liệu xây dựng phục vụ cho công trình,…
Tiền Giang đã hoàn thành chi trả cho 100% hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án còn phía tỉnh Đồng Tháp đã chi trả cho 201/203 hộ dân, đạt 97,26% tổng số hộ. Nhìn chung, các địa phương có công trình đi qua đã cơ bản bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, đến cuối tháng 12/2024, chủ đầu tư dự án đã giải ngân gói thầu xây lắp và các gói thầu tư vấn khác được gần 826 tỷ đồng, đạt gần 91% vốn giao trong năm 2024.
Về nguồn vật liệu cát đắp nền và gia tải thì tổng nhu cầu cát khoảng 0,95 triệu m3; trong đó UBND tỉnh Đồng Tháp cung cấp 300.000 m3 còn lại là Tiền Giang.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã triển khai các quyết định và văn bản pháp luật liên quan việc giao khu vực mỏ cát Hòa Hưng 2 (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) trên sông Tiền theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu thi công Dự án thành phần 2 khai thác phục vụ công trình theo kế hoạch được duyệt.
Khu vực mỏ cát Hòa Hưng 2 được chính thức khai thác vào ngày 25/12/2024.
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đang khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tỉnh Đồng Tháp hoàn tất thủ tục cấp mỏ nhằm sớm khai thác mỏ cát trên sông Tiền thuộc địa bàn xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thành phần 2.
Thượng tá Vũ Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Chủ đầu tư, đồng thời trong thời gian chờ nguồn cát đắp nền và gia tải theo cơ chế đặc thù, các nhà thầu chủ động quan hệ mua khoảng 50.000 m3 cát thương mại từ Campuchia về phục vụ thi công đường công vụ.
Phương tiện huy động trên công trình đoạn qua địa bàn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp).
Làm việc trên công trường cầu kênh 307 (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), kỹ sư Trần Hoàng, quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết, dịp Tết Dương lịch, anh và đội ngũ công nhân, kỹ sư thay nhau làm việc “3 ca, 4 kíp” trên tinh thần khẩn trương, an toàn, chất lượng của công trình.
Kỹ sư Nguyễn Đức Mỹ quê huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đang làm việc trên đoạn cao tốc qua địa bàn xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) gạt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt đen sạm vì mưa nắng công trường vui vẻ chia sẻ, anh và anh em kỹ sư, công nhân động viên nhau vượt khó, nỗ lực thi công không kể ngày đêm đảm bảo tiến độ Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu – Cao Lãnh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đó vừa là mệnh lệnh từ trái tim vừa là trách nhiệm của những người thợ cầu đường vì sự đổi thay, vươn lên của tỉnh Đồng Tháp – quê hương anh nói riêng cũng như tỉnh Tiền Giang và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long thân thương nói chung.
Kỹ sư Nguyễn Trường Vũ, quê tận tỉnh Gia Lai tâm sự: "Anh em chúng tôi mỗi đứa một quê nhưng cùng chung tâm huyết và niềm tự hào đóng góp công sức hoàn thành công trình cao tốc An Hữu – Cao Lãnh thành phần 2. Do vậy, ai cũng hăng say lao động, không kể ngày đêm hoặc lễ, tết, nhiều người đã lâu không về thăm nhà".
Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Phương chia sẻ, Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu – Cao Lãnh là một bộ phận của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có tổng chiều dài 27,43 km. Tuyến đường này còn là một phần của tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT36) có tổng chiều dài 188 km theo Quyết định 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với tầm quan trọng của dự án, từ UBND tỉnh Tiền Giang – cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang - chủ đầu tư; các cấp, các ngành hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, nhà thầu thi công đến đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường trong ngày đầu năm mới 2025 trên dưới một lòng, đang hối hả, miệt mài lao động.
Mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương với vai trò, trách nhiệm của mình trên tinh thần chung sức, chung lòng, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Qua đó, góp phần hoàn thiện “mạch máu” giao thông huyết mạch tạo sức bật mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên, khai thác tốt các tiềm năng đất đai, lao động vì sự phồn vinh của đất nước đang vững bước bước vào kỷ nguyên phát triển mới dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu – Cao Lãnh qua địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến trên 11 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp 3,8 km và qua Tiền Giang 7,63 km. Điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình Km98+950, cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km thuộc địa bàn xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Tổng diện tích đất phải thu hồi của dự án trên 83 ha; trong đó, tỉnh Đồng Tháp trên 28 ha và tỉnh Tiền Giang gần 55 ha, có tổng cộng 680 hộ bị ảnh hưởng, tỉnh Đồng Tháp 203 hộ và Tiền Giang là 477 hộ dân; có 182 hộ có nhu cầu tái định cư.
Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/hoi-ha-tren-cong-truong-cao-toc-an-huu-cao-lanh-thanh-phan-2-20250101144824368.htm