Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra tại Malaysia vào ngày 26-27/5 tới. Với chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, 10 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ thảo luận các vấn đề khu vực và thúc đẩy hợp tác kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Nhân dịp này, Cơ quan Thường trú Đài TNVN tại Indonesia có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Malaysia tại ASEAN Sarah Al Bakri Devadason - nước chủ tịch ASEAN 2025 - về các chương trình nghị sự cũng như kỳ vọng tại Hội nghị.
Đại sứ Malaysia tại ASEAN Sarah Al Bakri Devadason trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Indonesia
PV: Xin Đại sứ cho biết những nội dung chính cũng như kết quả dự kiến tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46?
Đại sứ Devadason: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 đánh dấu một thời điểm quan trọng trong hành trình xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN, khi các quốc gia thành viên cùng nhau tái khẳng định cam kết đối với sự hội nhập sâu sắc hơn, thống nhất và khả năng phục hồi chung. Một chương trình nghị sự trọng tâm của Hội nghị sẽ là thông qua “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta”, định hướng cho tương lai của ASEAN trong 2 thập kỷ tới. Điều này phản ánh tham vọng chung của ASEAN là xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định và toàn diện, có thể thích ứng với những thách thức trong tương lai, bao gồm những thách thức liên quan đến tính bền vững, số hóa, địa chính trị và sự thay đổi nhân khẩu học.
Những nỗ lực xây dựng cộng đồng sẽ được củng cố hơn nữa thông qua các cuộc thảo luận về việc đẩy nhanh kết nối khu vực, cả về mặt vật lý và kỹ thuật số, thông qua các sáng kiến chiến lược tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại và chuyển đổi số. Những nỗ lực này nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo rằng những lợi ích của hội nhập được chia sẻ công bằng trên tất cả các quốc gia thành viên ASEAN.
Hội nghị cấp cao cũng sẽ xem xét tình hình ở Myanmar, với việc tiếp tục nhấn mạnh vào việc thực hiện Đồng thuận năm điểm (5PC) như khuôn khổ đã được ASEAN thống nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo. ASEAN vẫn cam kết hỗ trợ đối thoại toàn diện, chấm dứt bạo lực và mở rộng tiếp cận nhân đạo.
Một điểm nhấn quan trọng khác sẽ là quá trình gia nhập ASEAN của Timor-Leste. Hội nghị dự kiến xem xét tiến trình trong lộ trình xây dựng năng lực của Timor-Leste, tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc hỗ trợ tư cách thành viên đầy đủ cho Timor Leste theo cách toàn diện và phù hợp với các nguyên tắc và quy trình của ASEAN.
Nhìn chung, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 dự kiến truyền tải thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết, tham vọng và sẵn sàng cho tương lai của ASEAN. Những kết quả tại Hội nghị sẽ đóng vai trò là nền tảng cho các nhà lãnh đạo ASEAN đặt ra những định hướng rõ ràng cho sự tăng trưởng dài hạn của khu vực, củng cố vị thế trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và đảm bảo rằng ASEAN vẫn là một cộng đồng năng động, hướng đến con người và hướng tới tương lai.
PV: Tình hình Myanmar được nhiều nước quan tâm trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với những khó khăn do tác động của trận động đất gần đây. Các quốc gia thành viên ASEAN sẽ thảo luận những biện pháp nào để tiếp tục giải quyết tình hình chính trị tại Myanmar, thưa Đại sứ?
Đại sứ Devadason: ASEAN vẫn rất quan ngại về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Myanmar. Trận động đất gần đây đã làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo tại Myanmar và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của ASEAN trong việc giải quyết cả khía cạnh nhân đạo và chính trị một cách khẩn trương và thống nhất. Malaysia tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đồng thuận năm điểm (5PC) là khuôn khổ đã được ASEAN nhất trí để giải quyết tình hình.
Trước những thách thức về mặt nhân đạo, ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp chính, bao gồm (i) tăng cường hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (Trung tâm AHA); (ii) theo đuổi sự tham gia toàn diện và thực tế hơn với tất cả các bên liên quan tại Myanmar; (iii) tăng cường vai trò và nhiệm vụ của Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN, tạo điều kiện cho đối thoại thực sự và xây dựng lòng tin trên thực địa. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN để đảm bảo ASEAN vẫn là nền tảng mang tính xây dựng và đáng tin cậy trong việc hỗ trợ người dân Myanmar trong giai đoạn đầy thách thức này.
PV: ASEAN và Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2026. Bà đánh giá thế nào về mục tiêu này khi Malaysia với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2025?
Đại sứ Devadason: Malaysia hoan nghênh cam kết chung của ASEAN và Trung Quốc về việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và có thực chất ở Biển Đông vào năm 2026. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, Malaysia coi mục tiêu này là kịp thời và quan trọng trong việc củng cố hòa bình, ổn định và lòng tin lẫn nhau trong khu vực. Một COC hiệu quả sẽ đóng vai trò là công cụ chính để quản lý căng thẳng, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hành vi có trách nhiệm của tất cả các bên ở Biển Đông. Dưới sự chủ trì của Malaysia, chúng tôi cam kết tạo điều kiện cho đối thoại mang tính xây dựng và duy trì động lực đàm phán, đồng thời đảm bảo rằng ASEAN vẫn đoàn kết và đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các thách thức về an ninh hàng hải. Malaysia sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc để thúc đẩy một trật tự hàng hải khu vực dựa trên luật lệ vì lợi ích của tất cả của người dân.
PV: Với việc Mỹ đề xuất mức thuế mới đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN, ASEAN đang chuẩn bị lập trường thống nhất nào về các biện pháp để bảo vệ lợi ích kinh tế của các quốc gia thành viên?
Đại sứ Devadason: ASEAN rất quan ngại về việc Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan đơn phương, có thể ảnh hưởng xấu đến các mặt hàng xuất khẩu chính của một số quốc gia thành viên ASEAN. Để ứng phó, ASEAN đã đưa ra lập trường thống nhất bằng cách ban hành Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) về việc Mỹ áp dụng Thuế quan đơn phương, tái khẳng định cam kết của khu vực đối với một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, minh bạch và toàn diện.
Tuyên bố chung nhấn mạnh lập trường chung của ASEAN rằng các biện pháp đơn phương như vậy có nguy cơ làm suy yếu các chuẩn mực thương mại toàn cầu và có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và các nỗ lực phục hồi kinh tế trên toàn khu vực. Tuyên bố cũng kêu gọi đối thoại và kiềm chế, khuyến khích Mỹ giải quyết các mối quan ngại về thương mại thông qua các khuôn khổ đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, Malaysia ủng hộ cách tiếp cận thống nhất này và sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia thành viên để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Các ưu tiên của chúng tôi bao gồm thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN thông qua Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tận dụng các khuôn khổ khu vực như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài để duy trì quyền tiếp cận thị trường mở và công bằng.
ASEAN vẫn cam kết đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ để tìm ra các giải pháp cân bằng và cùng có lợi hỗ trợ sự ổn định kinh tế khu vực và toàn cầu.
PV: Xin trân trọng cám ơn Đại sứ !
Phạm Hà/VOV-Jakarta