Hội nghị lần thứ 2, tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức được tổ chức tháng 10/2024.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy đã 2 lần tổ chức Hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức. Đây được xem như “Hội nghị Diên Hồng” của tỉnh để đội ngũ trí thức “hiến kế” cho sự phát triển đi lên của tỉnh. Với lực lượng đông đảo, hiện nay, đội ngũ trí thức của tỉnh Thanh Hóa có trên 236.000 người hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong tỉnh (trong đó có 34 phó giáo sư; hơn 230 tiến sĩ; gần 5.000 thạc sĩ), trong đó, một bộ phận không nhỏ là những cán bộ hưu trí đang hoạt động trong hệ thống của Liên hiệp hội và trong các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
Qua hai hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức, các trí thức tỉnh nhà đã đưa ra nhiều ý tưởng và định hướng để Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu có những hoạch định mới trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Từ tình hình thực tế của địa phương, đội ngũ trí thức đã nêu lên ý tưởng, định hướng lớn phục vụ xây dựng đề án phát triển nhanh, đa dạng các loại hình, các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn; xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; những chủ trương, định hướng lớn để xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển các ngành kinh tế vùng Bắc Trung bộ, Đồng bằng Sông Hồng và Tây Bắc. Trong đó đã đề cập đến việc Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tập trung chỉ đạo xác định xây dựng cơ chế, chính sách quan tâm phát triển thương mại điện tử chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; quan tâm đến các giải pháp công nghệ; xây dựng một số sàn thương mại điện tử đặc thù liên quan đến các lĩnh vực thế mạnh và sản phẩm thương hiệu của tỉnh...
Về giải pháp tăng cường hoạt động hợp tác, liên kết, gắn kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, TS. Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đề nghị tỉnh cần có giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; phát triển chuỗi liên kết giá trị bền vững; đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương hiệu; phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý; giải pháp chuyển đổi số; mô hình thí điểm chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững...
Trong giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, PGS.TS. Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức đề nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút, phát triển và sử dụng đội ngũ chuyên gia, cán bộ giảng viên có chuyên môn cao phục vụ các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới và phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Tỉnh cần ban hành một số chính sách về ươm tạo, phát triển đội ngũ trí thức, bao gồm: chính sách thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học; có chuyên môn, trình độ cao các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, logistics, luật, toán học, khoa học nông nghiệp về công tác...
Thông qua các “Hội nghị Diên Hồng”, lãnh đạo tỉnh đã nắm bắt thêm được nhiều ý kiến và trao đổi với đội ngũ trí thức nhiều vấn đề có tính chiến lược trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy vào sự phát triển tỉnh, mang lại giá trị cao trong cuộc sống. Từ các hội nghị, đội ngũ trí thức trong tỉnh đã có những phản biện tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề quan trọng trong thực tiễn, góp phần hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, “phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định.
Bài và ảnh: Minh Hiếu