Trong 3 ngày tổ chức, Hội nghị diễn ra nhiều phiên thảo luận và chia sẻ cảm hứng, kinh nghiệm từ các chuyên gia, đối tác trong nước, quốc tế về một số nội dung, chủ đề quan trọng, nhằm nhấn mạnh vai trò và những đóng góp của du lịch trong việc thúc đẩy phát triển nông thôn, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch... Hội nghị tập trung vào ba chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn bền vững; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Du lịch nông thôn thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BỀN VỮNG
Du lịch nông thôn được nhận diện là các hoạt động diễn ra ở vùng nông thôn, thu hút du khách đến thưởng thức, trải nghiệm và nhận được các giá trị mới mẻ khác biệt so với môi trường sống thường nhật của họ ở khu vực thành thị hay các vùng nông thôn khác. Du lịch nông thôn có 3 loại hình chủ đạo là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái, với vai trò gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sinh kế cho người dân qua các hoạt động trải nghiệm của du khách; góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa ở khu vực nông thôn...
Việt Nam là đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và và thiên nhiên đặc sắc, với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt so với khu vực đô thị. Đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống và cộng đồng địa phương đầy bản sắc, sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn... Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn; đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn...
Ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… Thực tiễn những năm qua ở Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn còn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”...
Hình ảnh những ngôi nhà truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc trở nên gần gũi và thân thương với mỗi du khách
UN TOURISM THÚC ĐẨY MÔ HÌNH DU LỊCH NÔNG THÔN
UN Tourism là cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc, có tầm nhìn phát triển du lịch như một động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển toàn diện và đảm bảo môi trường bền vững. Hiện nay, UN Tourism có 160 thành viên chính thức và hơn 500 hội viên. Du lịch Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của UN Tourism từ năm 1981, thuộc Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương. Hằng năm, UN Tourism tổ chức nhiều sự kiện tại các nước thành viên, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch điểm đến và thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo du lịch, chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư tiềm năng, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và giao lưu với các nước thành viên và hội viên của UN Tourism.
UN Tourism đã xây dựng Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất gồm 354 thành viên - là các làng du lịch nhận giải thưởng Làng Du lịch Tốt nhất qua 4 năm tổ chức giải thưởng (2021-2024) và các làng được tham gia vào Chương trình nâng cấp. Việt Nam có 3 làng được công nhận là Làng Du lịch Tốt nhất của UN Tourism: Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên, được công nhận năm 2022) với đặc trưng là giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày trong đời sống hằng ngày; làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình, được công nhận năm 2023) với đặc trưng là làng du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu và khám phá, trải nghiệm đời sống của người dân vùng lũ trong những ngôi nhà phao tránh lũ; làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam, được công nhận năm 2024) với đặc trưng làm nghề canh tác nông nghiệp truyền thống, không sử dụng máy móc hiện đại và phân bón hóa học...
UN Tourism cũng đã triển khai “Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn”, nhằm đưa du lịch trở thành động lực phát triển và nâng cao phúc lợi cho khu vực nông thôn; thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc định giá và bảo vệ các khu vực nông thôn cùng với cảnh quan, hệ thống tri thức, đa dạng sinh học và văn hóa, cũng như các giá trị địa phương. Chương trình còn nhằm mục đích thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo và biến đổi để phát triển du lịch ở các điểm đến nông thôn góp phần vào ba trụ cột bền vững - kinh tế, xã hội và môi trường - phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
VIỆT NAM ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong kỳ vọng, với sự chia sẻ của các nhà lãnh đạo các tổ chức, chuyên gia quốc tế và trong nước về du lịch, sẽ giúp nâng cao nhận thức, định hướng tầm nhìn và ban hành, thực thi các chính sách, giải pháp phát triển du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.
Triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp, bao trùm và đa giá trị. Du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hồ An Phong, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông thôn của Việt Nam cũng phải đối mặt với với nhiều thách thức. Vì đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường... Điều này đặt ra những yêu cầu trong việc định hướng tầm nhìn, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả trong việc thực thi các chính sách phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam đảm bảo các mục tiêu đề ra cũng như thích ứng với những vấn đề mang tính toàn cầu.
Dù vậy, với việc là quốc gia thành viên của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội để học hỏi, nâng cao nhận thức, định hướng tầm nhìn và ban hành, thực thi các chính sách, giải pháp phát triển du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện của quốc gia và định hướng phát triển trong tương lai.
NHẬT QUÂN