Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU: Bước khởi đầu hàn gắn

Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU: Bước khởi đầu hàn gắn
6 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (giữa) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại London, ngày 19/5. (Nguồn: Courthousenews.com)
Sự kiện cho thấy cả hai bên đang đứng trước nhu cầu tái thiết quan hệ trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức từ nội tại và môi trường an ninh - chính trị bên ngoài.
Nỗ lực từ hai phía
Gần một thập kỷ kể từ ngày Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU và tròn năm năm Anh chính thức rời EU, “vết thương” liên quan đến tính đoàn kết khối và giá trị chung vẫn còn đó với EU.
Tuy nhiên, việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa có mặt tại London để tham dự Hội nghị cho thấy EU đang nỗ lực khép lại những “tổn thương”, chấp nhận việc Anh rời đi như một phần của lịch sử và kỳ vọng vào một thỏa thuận có giá trị để giúp cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Đối với Anh, chính quyền Công đảng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Keir Starmer - người từng vận động chống Brexit, đang cho thấy nỗ lực tìm cách thiết lập quan hệ sâu sắc với châu Âu, nhất là khi ngày càng có nhiều người Anh cho rằng quyết định rời EU là một sai lầm.
Cuộc thăm dò do Ipsos UK thực hiện tháng 1/2025 cho thấy, chỉ 32% số người được hỏi đồng ý với Brexit, trong khi 51% tin rằng Brexit là một thất bại hơn là thành công.
Vì vậy, hội nghị lần này chính là cơ hội hòa giải cho những khúc mắc vẫn còn tồn tại giữa hai bên, mở ra chương mới cho quan hệ Anh - EU trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị đã thông qua ba văn bản, bao gồm: Tuyên bố chung, Quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng và Hiểu biết chung về chương trình nghị sự đổi mới cho hợp tác giữa EU và Anh.
Theo đó, về quốc phòng và an ninh, hai bên thống nhất sẽ tìm kiếm khả năng để cho phép các công ty quốc phòng Anh có thể tiếp cận Quỹ Hành động an ninh cho châu Âu (SAFE) trị giá 150 tỷ Euro của EU. Quỹ này nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự từ các nhà sản xuất trong EU hoặc các quốc gia có thỏa thuận an ninh với khu vực.
Về quyền đánh bắt cá, hai bên đồng ý gia hạn quyền tiếp cận của tàu cá EU vào vùng biển Anh thêm 12 năm (đến năm 2038), nhằm duy trì ổn định cho ngành đánh bắt cá của các quốc gia ven biển như Pháp và Đan Mạch. Ngoài ra, hai bên tập trung vào các lĩnh vực khác như chương trình di chuyển dành cho thanh niên, hợp tác năng lượng và liên kết thị trường carbon, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, vấn đề tiếp cận cổng kiểm tra tự động (e-gate) cho du khách Anh tại các sân bay EU.
Ai được lợi hơn?
Hội nghị được hai bên ca ngợi là “khoảnh khắc lịch sử”, mở ra “một chương mới” cho quan hệ Anh - EU. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, thỏa thuận toàn diện giữa hai bên dự kiến sẽ mang lại gần 9 tỷ Bảng cho nền kinh tế Anh vào năm 2040.
Các thỏa thuận giúp nối lại nhiều hoạt động mang ý nghĩa trao đổi văn hóa, giáo dục; tạo thuận lợi cho thương mại thực phẩm và nông sản thông qua loại bỏ nhiều thủ tục kiểm tra định kỳ; cắt giảm chi phí, thủ tục hành chính và mở lại thị trường EU cho hàng xuất khẩu của Anh; đơn giản hóa việc vận chuyển hàng hóa giữa Anh và Bắc Ireland theo Khuôn khổ Windsor.
Tuy nhiên, các thỏa thuận này cũng vấp phải chỉ trích từ nhiều chính trị gia bảo thủ, cho rằng sẽ làm suy yếu chủ quyền của nước Anh và đi ngược lại các nguyên tắc của Brexit. Lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập Kemi Badenoch cho rằng thỏa thuận mới là một “sự đầu hàng” và “đưa nước Anh trở về quá khứ”. Hợp tác quốc phòng và vấn đề đánh bắt cá là những chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất.
Về Quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng, văn bản này được cho là chưa nêu rõ các mục tiêu và cột mốc hợp tác cụ thể, cũng không nhắc đến bất cứ thỏa thuận hợp tác công nghiệp quốc phòng nào giữa hai bên. Quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng giữa EU và Anh khá giống thỏa thuận giữa EU với Na Uy và một số quốc gia khác. Điều này cho thấy cách tiếp cận của EU với Anh vẫn còn có sự cảnh giác, tiếp tục coi Anh là một quốc gia thứ ba, chưa thể hiện tham vọng về việc sẽ đối xử đặc biệt hơn hay có thỏa thuận độc đáo hơn với xứ sở sương mù.
Trong vấn đề đánh bắt cá, mặc dù ngành này chỉ đóng góp khoảng 0,03% tổng sản lượng kinh tế của Anh, nhưng lại có ý nghĩa truyền thống, văn hóa và chính trị quan trọng. Ngư dân Anh coi Brexit là cơ hội để rời khỏi Chính sách nghề cá chung của EU, được cho là có lợi cho ngư dân EU hơn là cho ngư dân Anh. Tổng giám đốc điều hành của Liên đoàn ngư dân Scotland Elspeth Macdonald đánh giá thỏa thuận mới là “vô cùng tồi tệ” và “không công bằng” đối với ngành đánh bắt cá của Anh.
Dù thỏa thuận này có thể giúp ngư dân Anh giảm một số thủ tục giấy tờ, nhưng lợi thế đó không đủ để bù đắp cho chi phí bị mất bởi quyền tiếp cận miễn phí vùng biển đánh bắt cá của Anh dành cho EU trong 12 năm. Không chỉ vậy, về dài hạn, thỏa thuận cũng có thể làm mất đi sức mạnh mặc cả của ngành đánh bắt cá Anh trong các cuộc đàm phán hằng năm với EU.
Dù các thỏa thuận hợp tác giữa Anh và EU sau Hội nghị thượng đỉnh vẫn còn gây nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sự kiện này đã cho thấy nỗ lực chính trị từ cả hai phía, qua đó tạo nền tảng và đòn bẩy cho hai bên hướng tới một mô hình hợp tác mới.
Tuy còn thận trọng nhưng sự kiện vẫn được xem là bước tiến cần thiết cho quan hệ Anh-EU, nhất là trong bối cảnh Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang xoay trục khỏi lục địa già và xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, đòi hỏi Anh và EU phải tự gắn kết và tăng cường nội lực nhằm giải quyết các thách thức chung.
Xuân Nguyễn
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-anh-eu-buoc-khoi-dau-han-gan-315171.html