Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil: Định hình trật tự mới trong thế giới đa cực

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil: Định hình trật tự mới trong thế giới đa cực
11 giờ trướcBài gốc
Thách thức và định hướng chiến lược của BRICS
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Rio năm 2025 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: lần đầu tiên các thành viên mới tham gia đầy đủ vào các hoạt động chính thức sau khi khối mở rộng vào năm 2024. Tuy nhiên, mức độ tham gia của các quốc gia này còn không đồng đều. Cơ chế phối hợp giữa các thành viên mở rộng và các nước sáng lập vẫn chưa được chuẩn hóa; nhiều yếu tố vẫn phụ thuộc vào vai trò cá nhân của các nhà lãnh đạo và năng lực ngoại giao song phương, đặc biệt trong quan hệ với Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
Việc mở rộng số lượng thành viên đã đặt ra vấn đề về hiệu quả ra quyết định, vốn dựa trên nguyên tắc đồng thuận truyền thống. Trường hợp Brazil thực tế phủ quyết Venezuela dù không có phản đối rõ rệt từ các nước khác đã làm dấy lên tranh luận về khả năng áp dụng cơ chế biểu quyết đa số trong các tình huống đặc biệt. Nguy cơ tê liệt do quyền phủ quyết ngầm càng rõ rệt khi BRICS ngày càng đa dạng về lợi ích và định hướng chính sách.
Chủ đề trung tâm của hội nghị dự kiến sẽ là cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). BRICS thống nhất quan điểm rằng cơ cấu hiện tại của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, không còn phản ánh thực tế quyền lực của thế giới thế kỷ XXI.
Theo BRICS, những bất cập chính, như thiếu đại diện từ các khu vực Nam bán cầu (châu Phi, Mỹ Latinh, thế giới Hồi giáo); việc lạm dụng quyền phủ quyết của ba nước phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp); sự thống trị của đồng USD, quyền lực tài chính tập trung tại IMF và các thể chế phương Tây.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, bất đồng nội bộ vẫn tồn tại. Nga ủng hộ mở rộng giới hạn (ưu tiên Ấn Độ, Brazil và đại diện châu Phi), song cảnh báo một Hội đồng Bảo an phình to sẽ mất hiệu quả. Trung Quốc công khai ủng hộ cải cách, nhưng việc nước này có ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực bị đặt dấu hỏi bởi tính chất cạnh tranh giữa hai nước. Brazil và Nam Phi cũng vận động cho vị trí thường trực, nhưng được cho là vấp phải phản đối từ Mỹ và các đồng minh châu Âu. Cạnh tranh nội khối (giữa Ai Cập, Ethiopia và Nigeria) và đối đầu khu vực (giữa Iran và Ả Rập Xê Út) cũng làm phức tạp khả năng hình thành lập trường thống nhất.
Về mặt tài chính, các thành viên BRICS, bao gồm cả các nước mới, đồng thuận rằng cần thay đổi cơ chế phân bổ hạn ngạch trong IMF và các tổ chức tài chính quốc tế để phản ánh đúng vai trò kinh tế hiện nay của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tiến trình cải cách này đã bị kéo dài suốt nhiều năm, và BRICS vẫn thiếu đòn bẩy thực tế để buộc các nước phương Tây từ bỏ thế thống trị trong các tổ chức này.
Các chủ đề an ninh cũng nằm trong chương trình nghị sự. Vấn đề an ninh mạng và chống khủng bố có thể gây chia rẽ do cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Trung Quốc, với quan hệ hợp tác mạnh mẽ với Pakistan, có thể tìm cách làm nhẹ các tuyên bố của Ấn Độ. Về các điểm nóng toàn cầu, tình hình tại Ukraine, Trung Đông và châu Phi, cùng với vai trò của BRICS trong việc thúc đẩy ổn định và đảm bảo an ninh tại các khu vực có trữ lượng khoáng sản chiến lược (như lithium ở Bolivia), sẽ là trọng tâm thảo luận.
BRICS tăng cường hợp tác thực chất, hướng tới tự chủ tài chính và công nghệ
Theo chuyên gia Georgy Toloraya, Trung tâm chính trị thế giới và phân tích chiến lược, Viện Hàn lâm khoa học Nga, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới, các quốc gia thành viên dự kiến sẽ thảo luận nhiều lĩnh vực hợp tác thực tiễn, tập trung vào tài chính, công nghệ, an ninh lương thực và phát triển bền vững. Trọng tâm là thúc đẩy các cơ chế mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống phương Tây và tăng cường vai trò của khối trong trật tự kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, giảm phụ thuộc vào đồng USD. Thời gian qua, Nga nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng cơ chế thanh toán bền vững, đặc biệt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt. Các nước BRICS đang hướng tới thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới riêng, phát triển đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) cho thanh toán nội khối và cân nhắc một hệ thống thay thế SWIFT.
Theo thống kê của Chính phủ Nga, việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong giao dịch đã đạt mức cao, riêng Nga ghi nhận tỷ lệ giao dịch bằng đồng Rúp và các đồng nội tệ của các quốc gia “thân thiện” lên tới 90% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, tiến trình thiết lập một đồng tiền chung BRICS vẫn chưa đạt tiến triển đáng kể do lo ngại từ các thành viên về sự thay thế đồng USD.
Thứ hai, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) sẽ tiếp tục được củng cố như một công cụ hỗ trợ tài chính hạ tầng cho các nước thành viên. Thương mại điện tử, vốn là một thế mạnh mới nổi của các nền kinh tế BRICS, cũng được kỳ vọng sẽ được ưu tiên trong hợp tác song phương và đa phương.
Thứ ba, bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó đứt gãy chuỗi cung ứng. Các nước BRICS đặt mục tiêu giảm thiểu gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, đẩy mạnh thương mại các mặt hàng nông nghiệp và phân bón, đồng thời tăng cường hợp tác kỹ thuật để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.
Thứ tư, cân bằng giữa đổi mới và kiểm soát trong lĩnh vực chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI). Phát triển công nghệ số, đặc biệt là AI, được xem là lĩnh vực ưu tiên. Dự kiến, một nhóm công tác chung về AI sẽ được thành lập, trong đó: Trung Quốc đề xuất phát triển thuật toán; Ấn Độ tập trung đào tạo nhân lực; Nga phát triển ứng dụng an ninh mạng và quốc phòng.
Tuy nhiên, các bất đồng về chủ quyền kỹ thuật số và quản lý Internet có thể là rào cản. Trong khi Ấn Độ ưu tiên mô hình mở, Trung Quốc và Nga ủng hộ cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thứ năm, về năng lượng xanh và phối hợp chính sách khí hậu. Trong lĩnh vực phát triển bền vững, các nước BRICS đang xem xét thành lập Quỹ Năng lượng Xanh, tài trợ thông qua NDB cho các dự án như thủy điện (Brazil, Nga), năng lượng mặt trời (Ấn Độ, Trung Quốc), điện gió (Ai Cập, UAE) và hydro (Trung Quốc, Nga, Brazil).
Ngoài ra, chương trình nghị sự bao gồm sáng kiến kết nối lưới điện khu vực châu Phi thông qua công nghệ của Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, các dự án này đối mặt với rào cản từ tiêu chuẩn kỹ thuật không đồng bộ và sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp phương Tây.
Trong bối cảnh Brazil đảm nhận vai trò chủ tịch và chuẩn bị đăng cai Hội nghị lần thứ 30 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) - COP30, BRICS đang nỗ lực xây dựng lập trường thống nhất tại diễn đàn này. Các đề xuất bao gồm: (1) Yêu cầu phương Tây tăng tài trợ khí hậu cho các nước đang phát triển; (2) Thành lập quỹ thay thế trong nội khối; (3) Phản đối thuế carbon đơn phương như CBAM của EU.
Tuy nhiên, các bất đồng nội bộ vẫn hiện diện, đặc biệt giữa Trung Quốc và các quốc gia kêu gọi từ bỏ nhanh nhiên liệu hóa thạch, hoặc giữa Ấn Độ và các nước Ả Rập về tiến độ chuyển đổi dầu mỏ.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 dự kiến sẽ đưa ra những định hướng cụ thể trong hàng loạt lĩnh vực có tác động dài hạn đến cấu trúc kinh tế và công nghệ toàn cầu. Mặc dù tiến trình hợp tác đang mở rộng và đi vào chiều sâu, vẫn tồn tại những khác biệt nội bộ đáng kể, đặc biệt trong các vấn đề tài chính, kỹ thuật số và khí hậu. Sự thành công của BRICS sẽ phụ thuộc vào khả năng hài hòa lợi ích giữa các thành viên, cũng như khả năng xây dựng các thể chế thay thế hiệu quả trong bối cảnh thế giới đang dịch chuyển sang mô hình đa cực.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-brics-tai-brazil-dinh-hinh-trat-tu-moi-trong-the-gioi-da-cuc-254130.htm