Những ngôi nhà bị phá hủy trong một cuộc xung đột tại Pokrovsk, Ukraine. Ảnh: Kostiantyn Libero
Một quan chức quốc phòng giấu tên phát biểu: "Các nhà lãnh đạo của UDCG sẽ cần phải phê chuẩn lộ trình nêu rõ nhu cầu và mục tiêu của lực lượng không quân, thiết giáp, pháo binh, rà phá bom mìn, máy bay không người lái, phòng thủ tên lửa, phòng không tích hợp, công nghệ thông tin và an ninh hàng hải của Ukraine cho đến năm 2027. Các lộ trình này nhằm mục đích cho phép nhà tài trợ lập kế hoạch và hỗ trợ Ukraine một cách bền vững trong tương lai".
Tuyên bố của các quan chức Lầu Năm Góc được đưa ra trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20-1 tới, người đã cam kết đưa Washington "thoát khỏi" cuộc chiến Nga - Ukraine và đàm phán một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng.
Các nhà lãnh đạo của UDCG trước đó đã cân nhắc ý tưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về thực hiện kiểm soát đối với tổ chức Ramstein để duy trì nguồn cung cấp vũ khí cho Kiev. Vào tháng 6 năm ngoái, các nước NATO đã ký một kế hoạch để liên minh tiếp quản quyền kiểm soát một phần kênh viện trợ từ Mỹ và điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine, theo tờ Politico.
Ông Donald Trump vẫn chưa vạch ra kế hoạch cho nhóm liên lạc này vì vị Tổng thống mới đang tìm cách đàm phán một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine để đổi lấy các đảm bảo an ninh từ châu Âu. Các quốc gia châu Âu đã tìm cách tăng chi tiêu quân sự của mỗi nước cũng như hỗ trợ thêm cho Ukraine, trong bối cảnh lo ngại ông Donald Trump sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết trong cuộc họp báo ngày 20-12-2024 rằng một số nước châu Âu quan tâm đến việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron .
UDCG bao gồm hơn 50 quốc gia, trong đó có 32 thành viên NATO, thường tổ chức họp tại Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức. Cuộc họp Ramstein gần đây nhất vào ngày 6-9 năm ngoái là cuộc họp lần thứ 24 của nhóm kể từ khi thành lập vào tháng 4-2022.
Kim Phượng