Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và 68 của Bộ Chính trị

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và 68 của Bộ Chính trị
6 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Trần Tuyền
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến hơn 37.000 điểm cầu trên cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị, tham dự hội nghị có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW và kế hoạch thực hiện”. Thủ tướng nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện rõ định hướng chiến lược, nhất quán của Đảng về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nghị quyết xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, hiệu quả, bền vững.
Nội dung trọng tâm của Nghị quyết tập trung vào việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công bằng, minh bạch; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển đồng bộ các loại thị trường; đổi mới tư duy quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, cạnh tranh lành mạnh trong khu vực và quốc tế.
Nghị quyết đề ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kết cấu hạ tầng; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW và kế hoạch thực hiện”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật có vai trò nền tảng trong quản trị quốc gia, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, thúc đẩy tiến bộ, công bằng, ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Nghị quyết số 66 đề ra năm quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, trong đó nổi bật là yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật, chuyển mạnh từ tư duy “quản lý” sang “kiến tạo phát triển”; từ pháp luật thiên về hành chính sang pháp luật điều chỉnh đa dạng các quan hệ KT-XH trong điều kiện mới.
Bảy nhiệm vụ trọng tâm được xác định gồm: nâng cao chất lượng quy trình lập pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục tình trạng chồng chéo, xung đột pháp lý; đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ pháp lý có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Trần Tuyền
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Nghị quyết số 66 và 68 là kết tinh của quá trình nghiên cứu công phu, sâu sắc, có sự tham gia rộng rãi của các cấp, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia và thực tiễn phong phú từ cơ sở. Đây là những văn kiện mang tầm chiến lược, mở đường cho những đột phá trong quản trị quốc gia và phát triển KT-XH trong kỷ nguyên mới.
Việc đổi mới tư duy, phương pháp và tổ chức thực hiện công tác xây dựng, thi hành pháp luật là một yêu cầu cấp thiết. Pháp luật phải đi trước một bước, thực sự trở thành công cụ sắc bén để cụ thể hóa đường lối của Đảng, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tạo điều kiện cho các lực lượng sản xuất phát triển, củng cố niềm tin xã hội.
Về kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư khẳng định, Đảng ta đã có quá trình nhận thức ngày càng đầy đủ, đúng đắn và nhất quán về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 68 là bước tiến mới trong nhận thức và hành động, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực từ khu vực tư nhân để cùng phát triển đất nước, giữ vững độc lập tự chủ, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế hiệu quả.
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương phải tổ chức tốt việc học tập, quán triệt hai nghị quyết; khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, phân công rõ trách nhiệm, xác định thời hạn cụ thể và cơ chế kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện.
Tổng Bí thư tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, việc triển khai thực hiện hai nghị quyết sẽ tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc trong quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, góp phần đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới với tư thế, tầm vóc và khát vọng vươn cao hơn, xa hơn trong kỷ nguyên mới.
Trần Tuyền
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/hoi-nghi-toan-quoc-quan-triet-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-so-66-va-68-cua-bo-chinh-tri-193724.htm