Sáng 18/5, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 37 nghìn điểm cầu ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị trên cả nước, với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu trung ương.
Tỉnh Quảng Ngãi có 308 điểm cầu với hơn 25,2 nghìn đại biểu tham dự; trong đó, 1 điểm cầu ở tỉnh; 24 điểm cầu cấp huyện và tương đương; 283 điểm cầu cấp xã và tương đương. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Tại hội nghị các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”.
Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030 kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt các nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68.
Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động kèm theo Nghị quyết số 138 ngày 16/5/2025 của Chính phủ nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 68 là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” cho kinh tế tư nhân, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt các nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nghị quyết số 66 đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bám sát yêu cầu và mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng ta đã đề ra; xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Nghị quyết số 66 đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu quán triệt tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại: kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố.
“Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra. Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; cùng với Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: Từ "quản lý" sang "phục vụ", từ "bảo hộ" sang "cạnh tranh sáng tạo", từ "hội nhập bị động" sang "hội nhập chủ động", từ "cải cách phân tán" sang "đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc". Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025 - 2030) gồm: Hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển; Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.
Nhấn mạnh năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm: Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết; khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật; khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới; thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết; đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.
Lãnh đạo các cấp, từ trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những nghị quyết mới theo phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ từng dạy.
Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực.
“Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới – Khát vọng – Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045”, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi.
Tin, ảnh: N.ĐỨC