Tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.
Năm 2024, toàn ngành Tư pháp tập trung nguồn lực thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Kết quả công tác tư pháp năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, thông qua 28 luật tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV. Các bộ, ngành xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức trên 10.200 cuộc thi, hơn 14 triệu lượt người dự thi.
Công tác thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được chú trọng, đến nay có 10.188 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 94,7%). Công tác hòa giải ở cơ sở đạt được kết quả nổi bật, trong năm, cả nước tiếp nhận 97.082 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 84,8%; một số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao như: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp...
Công tác trợ giúp pháp lý đạt kết quả đáng ghi nhận, cả nước đã thụ lý mới hơn 39.641 vụ việc, đã hoàn thành 37.343 vụ việc (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023). Công tác thi hành án dân sự được sự quan tâm, chỉ đạo, các cơ quan Thi hành án dân sự thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023...
Tại hội nghị, đại biểu các địa phương thảo luận về nội dung: tình hình phổ biến, giáo dục pháp luật, xử lý vi phạm hành chính của địa phương;những vướng mắc, bất cập trong triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; đăng ký hộ tịch trực tuyến; số hóa sổ hộ tịch. Việc thực hiện các thủ tục liên thông: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đề xuất những giải pháp tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương...
Năm 2025, Bộ Tư pháp tiếp tục quán triệt, hực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo liên quan đến các lĩnh vực của Bộ, ngành tư pháp. Tập trung rà soát, đề xuất, triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng dịch vụ công ở các lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ, ngành tư pháp cần tiếp tục nỗ lực, tập trung, ưu tiên tối đa cho việc xây dựng hoàn thiện thể chế đảm bảo kịp thời và có chất lượng; phối hợp tích cực với các bộ, ngành chức năng để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Tích cực xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tư pháp trong sạch, chuyên nghiệp, bản lĩnh, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số…
Hoài An