Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết hợp trực tuyến tới hơn 15.000 điểm cầu trên toàn quốc, với gần 980.000 đại biểu tham dự.
Tại Hội trường Diên Hồng, dự Hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: Phan Diễn, Trần Quốc Vượng.
Tại các điểm cầu, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự tại điểm cầu tỉnh Long An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương...
Về phía đại biểu Quân đội dự tại Hội trường Diên Hồng có: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng…
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Dự tại điểm cầu Quân ủy Trung ương ở Hội trường Bộ Quốc phòng có: Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì điểm cầu. Cùng dự có: Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng...
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khẳng định những thành tựu to lớn
Theo chương trình làm việc, tại hội nghị các đại biểu nghe đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua.
Theo Báo cáo, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Các tổ chức khoa học - công nghệ và đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả. Việt Nam thuộc nhóm đầu các quốc gia ban hành Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành từng bước được triển khai. Công nghiệp số phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra, trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, như: Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi...
Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng chí Thái Thanh Quý cho biết Nghị quyết xác định các nhóm quan điểm chỉ đạo. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới...
Khẩn trương hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng rào cản
Quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Chính phủ xác định rõ, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Với tinh thần đó, ngày 9-1-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, xác định nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gồm 13 nhiệm vụ cụ thể). Chính phủ cũng xác định khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để Nghị quyết số 57-NQ/TW đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó”…
Đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh
Phát biểu tại hội nghị, trình bày báo cáo chuyên đề “Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có những hạn chế cơ bản. Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp; trong đó có nhiều nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách rất mới, như: Phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh…
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các đại biểu tham dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ngày 10-1-2025, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch hành động số 3260 để thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phân công trách nhiệm rõ ràng, tiến độ cụ thể và tổ chức triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật. Các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Về tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phối hợp tổ chức rà soát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xóa bỏ; thống nhất nhận thức về nhiệm vụ “đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh”.
Trên tinh thần đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp tích cực với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW.
Bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Làm sao để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời; Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ. Những chủ trương, giải pháp trong đó phải được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quân ủy Trung ương và một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Trước hết là về quan điểm: Luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Về hành động, cần xác định làm rõ Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì? Trí thức, nhà khoa học làm gì? Toàn dân làm gì? Thụ hưởng như thế nào? Nhà nước cần tập trung 4 việc: (1) Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển, (2) Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá, (3) Tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ, đủ năng lực để đột phá, (4) Bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá. Đó là: Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Về sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương trong Quý I năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học, công nghệ; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học, công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá: Bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, R&D, lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số. Tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải. Đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số.
Nghị quyết 57 đã tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá để giải phóng sức sáng tạo, nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Với nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cao từ toàn Đảng, nhân dân và giới trí thức, tin rằng Nghị quyết sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
Tin, ảnh: PHẠM KIÊN - VĂN CHIỂN - TUẤN HUY