Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương
14 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: Trần Hải (Báo Nhân Dân)
Các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: Trần Hải (Báo Nhân Dân)
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, cơ bản vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng, quy mô nền kinh tế, GDP bình quân đầu người, lạm phát, văn hóa, an sinh xã hội, lao động việc làm... đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Trần Hải (Báo Nhân Dân)
Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
5 bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó quan trọng nhất là bài học về đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết quốc tế, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung và đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá được đề ra, xác định hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Trần Hải (Báo Nhân Dân)
Trong đó, tập trung xây dựng ngay kịch bản tăng trưởng kinh tế của cả nước và từng địa phương với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả. Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận sự nỗ lực điều hành quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra; nhiều địa phương trong cả nước thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 - năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTXH 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Tổng Bí thư yêu cầu, cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. Cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để chúng ta vững bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển. Tổng Bí thư nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa, và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính - ngân sách, và quản lý tài nguyên. Đồng thời, cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự lực và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Cần bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, và chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tạo không gian mới và động lực phát triển. Tư duy đổi mới cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý các cấp.
Các đại biểu theo dõi hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng rằng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, phấn đấu không ngừng với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ngọc Hưng
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2024-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025-cua-chinh-phu-va-chinh-quyen-dia-phuong-204832.html