Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồ Hải; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Thiều; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Văn Bi, Huỳnh Chí Nguyện, Lê Văn Sử, Ngô Vũ Thăng tham dự hội nghị.
Đại biểu tỉnh Cà Mau tham dự hội nghị.
6 tháng đầu năm 2025, bối cảnh nền kinh tế trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt tăng trưởng cao nhất.
Nền kinh tế tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực: 6 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 7,52% - mức cao nhất trong gần 20 năm; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,11%; xuất khẩu tăng 14,4%; thu ngân sách đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3%; vốn FDI đăng ký hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32,6%. Có 152,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, cao hơn 20% số rút lui; tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03%.
Tại hội nghị, Bộ Tài chính thông qua kịch bản tăng trưởng quý III, quý IV năm 2025 và năm 2026. Theo đó, kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 8%, quý III đạt 8,3%, quý IV 8,5%, GDP trên 508 tỷ USD, bình quân đầu người trên 5.000 USD.
Kịch bản 2: Tăng trưởng 8,3 - 8,5%, quý III đạt 8,9 - 9,2%, quý IV 9,1 - 9,5%, GDP khoảng 510 tỷ USD, bình quân đầu người trên 5.020 USD.
Bộ Tài chính kiến nghị phấn đấu theo kịch bản 2, tạo nền tảng cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10%. Để đạt mục tiêu, cần huy động vốn đầu tư xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD; trong đó đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, FDI 18,5 tỷ USD (giải ngân khoảng 16 tỷ USD).
Qua thảo luận, các Bộ, ngành và địa phương thống nhất với kịch bản 2 và đề ra các giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai mục tiêu tăng trưởng, đồng thời nhấn mạnh phải quyết tâm thực hiện kịch bản 2 dù khó khăn, vì nếu không đạt sẽ ảnh hưởng đến năm sau.
Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ. Ngân hàng Nhà nước cần ổn định tỷ giá, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; giải ngân 100% vốn đầu tư công; mở rộng nguồn thu, tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu cho kinh tế xanh, tuần hoàn. Các Bộ, ngành phải hoàn thành các dự án trọng điểm, tháo gỡ nút thắt về thể chế, đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế mới nổi; sớm ban hành nghị quyết về y tế, giáo dục, văn hóa. Đồng thời, bảo đảm an ninh lương thực, mở rộng xuất khẩu, tăng cường phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính; yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và các địa phương chủ động cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo hoàn thành xóa nhà tạm cho người có công trước 27/7/2025, xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm; tăng cường tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội; thiết lập cơ chế giám sát qua phần mềm, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở gần dân, sát dân, giải quyết vấn đề tại chỗ; đồng thời chuẩn bị đại hội Đảng các cấp nhưng không để ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.
Kim Nhiên – Hồng Nhung