Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đào tạo. Tháng 11/2023, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản cũng là nhà cung cấp nguồn vốn vay ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Hai nước đã triển khai hợp tác nhiều dự án ODA quy mô lớn trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hạ tầng, phát triển đô thị của Việt Nam.
Về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, từ năm 2010, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản đã ký kết nhiều Biên bản ghi nhớ hợp tác riêng trong lĩnh vực phát triển đô thị, thoát nước và xử lý nước thải, đào tạo công nhân ngành Xây dựng... Đến năm 2015, Bộ Xây dựng và Bộ MLIT đã ký kết Biên bản hợp tác tổng thể 3 năm 2015 - 2018 về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật... Biên bản hợp tác này đã được hai Bộ nghiên cứu, tiếp tục triển khai trong các giai đoạn tiếp theo, hiện đang xem xét ký kết gia hạn Biên bản trong năm 2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến lĩnh vực xây dựng về phát triển nhà ở, thị trường bất động sản và hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao thông qua việc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật.
Đáng chú ý, ngày 28/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 với nhiều nội dung đổi mới so với Luật Nhà ở năm 2014 nhằm phát triển nhà ở phù hợp với tình hình mới; thông qua Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 thay thế Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15, làm rõ thêm sự phù hợp của dự án đầu tư xây dựng đối với từng loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện các loại dự án đầu tư xây dựng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành của Việt Nam hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước để trình Quốc hội xem xét thông qua, dự kiến vào cuối năm 2025. Đây là 2 Luật mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị của Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam cũng đã và đang tổ chức triển khai thực hiện nhiều Chương trình phát triển nhà ở; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; các Chương trình phát triển hạ tầng khung chất lượng cao...
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Hội nghị lần này giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản là tiền đề để hai Bộ cùng trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật; đề ra cơ chế huy động nguồn vốn trung hạn và dài hạn, tạo lập được quỹ đất và thúc đẩy được các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở, nhất là phát triển nhà ở xã hội; phát triển hạ tầng chiến lược, hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao; quản lý, điều tiết thị trường bất động sản bền vững. Ngoài ra, hai bên cùng chia sẻ về nhu cầu phát triển và sử dụng nguồn nhân lực xây dựng chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp xây dựng hai nước.
Phó Thứ trưởng Bộ MLIT Nhật Bản Yosuke Tsutsumi phát biểu tại Hội nghị.
Còn theo Phó Thứ trưởng Bộ MLIT Nhật Bản Yosuke Tsutsumi, doanh nghiệp Nhật Bản có kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển đô thị thông qua các dự án đầu tư lớn; quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp cũng tích lũy được công nghệ cao, kinh nghiệm xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành, quản lý. Những kinh nghiệm này của Nhật Bản có thể giúp phía Việt Nam trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý, vận hành những hạ tầng này.
Các doanh nghiệp bất động sản của Nhật Bản rất quan tâm đến việc triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Bộ MLIT Nhật Bản và Bộ Xây dựng Việt Nam đã thành lập Tổ công tác về quản lý bất động sản với 4 phiên họp từ tháng 3/2023 trong nhiều lĩnh vực khác nhau…
Việt Nam đã có nhiều sửa đổi trong cơ chế, chính sách trong pháp luật nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đây là nội dung mà các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Thông qua Hội nghị lần này, Phó Thứ trưởng Yosuke Tsutsumi bày tỏ mong Bộ Xây dựng sẽ cùng với Bộ MLIT tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản; cải thiện nhiều chính sách mới cho người lao động và doanh nghiệp ngành Xây dựng của hai nước.
Cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị của hai Bộ đã trình bày các tham luận liên quan đến cơ chế chính sách của Việt Nam, hệ thống quản lý nhà chung cư tại Nhật Bản, những sáng kiến về tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài trong ngành Xây dựng; giới thiệu về các dự án tại Việt Nam...
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh trình bày về Luật Nhà ở năm 2023.
Về cơ chế, chính sách, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Tống Thị Hạnh đã làm rõ nội dung của Luật Nhà ở năm 2023; một số chính sách mới của Luật Nhà ở năm 2023 có liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 và Luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… và các văn bản quy định chi tiết.
Trong đó có: Phạm vi điều chỉnh; Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở và điều kiện đấu giá, đấu thầu; Sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Mối quan hệ nhà đầu tư – chủ đầu tư dự án có sử dụng đất – chủ đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư dự án nhà ở; Thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Bên cạnh đó là các chính sách như: Ưu đãi liên quan đến đất đai đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; Việc nộp tiền sử dụng đất liên quan đến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, bán nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở; Một số lưu ý khi vi phạm trật tự xây dựng liên quan đến công tác cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Xử lý chuyển tiếp.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng cũng đã trình bày về Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Vương Duy Dũng.
Luật Kinh doanh bất động sản có 10 Chương, 83 Điều, quy định cụ thể về: Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn; Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; Kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; Chuyển nhượng dự án bất động sản; Hợp đồng kinh doanh bất động sản; Kinh doanh dịch vụ bất động sản và đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề trong kinh doanh dịch vụ bất động sản…
Giám đốc cấp cao, Ban thị trường quốc tế, Cục Kinh tế xây dựng và bất động sản, Bộ MLIT Takeshi Minakawa.
Chia sẻ về hệ thống nhà chung cư cao cấp tại Nhật Bản, đại diện Cục Kinh tế xây dựng và bất động sản (Bộ MLIT), so với Việt Nam, khung pháp lý quản lý có phần giống và khác nhau. Ví dụ như hình thức tổ chức quản lý chung cư ở Nhật Bản và Việt Nam tương tự nhau. Nghiệp vụ quản lý vận hành thường được thực hiện bởi công ty con thuộc tập đoàn của chủ đầu tư đã phát triển dự án bất động sản, nhưng ở Việt Nam, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đối với việc quản lý.
Hay về cơ cấu tổ chức đơn vị quản lý, tại Nhật Bản, tất cả chủ sở hữu căn hộ đều trở thành thành viên của hợp tác xã quản lý và hầu hết các quyết định liên quan đến việc quản lý chung cư đều được giải quyết tại đại hội của hợp tác xã quản lý. Ở Việt Nam, Ban quản lý bao gồm các thành viên được lựa chọn từ các chủ sở hữu căn hộ chung cư, có thẩm quyền và quyền quyết định lớn. Ngoài ra, Ban quản lý không có chức năng kiểm toán… Hiện ngành quản lý vận hành nhà chung cư ở Nhật đang có xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty quản lý. Các công ty đang tập trung vào việc tạo sự khác biệt cho dịch vụ của mình.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Còn theo Giám đốc cấp cao, Ban thị trường quốc tế, Cục Kinh tế xây dựng và bất động sản (Bộ MLIT) Takeshi Minakawa, ngành Xây dựng Nhật Bản hiện nay gặp nhiều thách thức, nhất là vấn đề lao động đang có xu hướng già hóa.
Hiện Nhật Bản đã có nỗ lực cải cách phong cách làm việc, thời gian làm việc của ngành Xây dựng đã giảm nhiều hơn so với các ngành khác nhưng vẫn ở mức cao; có kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy việc giữ chân lao động nữ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài có chuyên môn và kỹ thuật, trong đó có lao động Việt Nam; tăng cường thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng…
Toàn cảnh Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, Phó Thứ trưởng Bộ MLIT Nhật Bản Yosuke Tsutsumi nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản đã thảo luận tích cực nhằm xác định rõ nội dung, hoạt động hợp tác và thiết lập mạng lưới hợp tác trong thời gian tới. Phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam về các dự án mà doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai, từ đó nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ và hai nước, giúp cho hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển.
Yến Mai