Hội nhập quốc tế: Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực

Hội nhập quốc tế: Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực
19 giờ trướcBài gốc
Ngày 3-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết với tựa đề “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”. Ông cho biết trong lịch sử cách mạng Việt Nam (VN), hội nhập và phát triển của đất nước luôn gắn liền với những biến chuyển của thời đại. Ngay từ những ngày đầu lập nước, trong bức thư gửi tới Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tinh thần là VN muốn làm bạn với tất cả các nước, bày tỏ mong muốn “thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.
“Đây có thể được coi là “bản tuyên ngôn” đầu tiên về cách tiếp cận của nước VN Dân chủ Cộng hòa với cộng đồng quốc tế” - Tổng Bí thư khẳng định.
Bước ngoặt có tính lịch sử trong hội nhập quốc tế
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các quốc gia khác, trong đó hội nhập quốc tế là hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế.
Nói cách khác hội nhập quốc tế là “đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại”, gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới.
Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư nhìn nhận VN đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế. Sự ra đời của Nghị quyết 59/2025 của Bộ Chính trị về “hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá” đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trong 40 năm đổi mới, tiến trình hội nhập quốc tế của VN đã đạt những kết quả quan trọng, mang tầm vóc lịch sử. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, VN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn. VN còn là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất.
Việt Nam hiện là một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD...
Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhìn nhận chủ trương hội nhập quốc tế vẫn còn những điểm chưa thực sự như mong đợi. Thế giới đang đứng trước những thay đổi căn bản mang tính thời đại, biến đổi sâu sắc về mọi mặt dưới tác động của các chuyển dịch lớn của chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để định hình và xác lập trật tự thế giới mới. “Trong lần chuyển đổi này, nếu không kịp thời bắt nhịp với thế giới, nhận diện và tranh thủ cơ hội để đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại trong 10 năm, 20 năm tới, nguy cơ tụt hậu sẽ hiện hữu hơn bao giờ hết” - Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
Bộ ba chiến lược
Cùng với quốc phòng, an ninh, “đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tinh thần trọng yếu, thường xuyên trong hội nhập quốc tế theo Tổng Bí thư Tô Lâm là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, đảm bảo tốt nhất lợi ích của nhân dân.
Hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định, gia tăng nội lực đi đôi với tranh thủ ngoại lực. Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, “hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác. Chú trọng phần đối tác, hạn chế phần đối tượng”.
Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng nhìn nhận hội nhập quốc tế phải mang tính chất “đồng bộ, toàn diện, sâu rộng”, trong đó các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đất nước đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển. Cùng với “tinh thần đổi mới” về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Nghị quyết 18; “tư tưởng đột phá” về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Nghị quyết 57; định hướng về hội nhập quốc tế là “cẩm nang hành động” của Nghị quyết 59 sẽ tạo nên “bộ ba chiến lược” trong trọng tâm “ổn định lâu dài - phát triển bền vững - đời sống nâng cao” do Đảng đã vạch ra.
Giai đoạn cách mạng hiện nay, ông yêu cầu cần triển khai quyết liệt và hiệu quả theo một số định hướng quan trọng. Trong đó, tư duy, nhận thức và hành động mới trong hội nhập quốc tế phải được quán triệt sâu rộng, đi vào cuộc sống. Nhận thức về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả là một định hướng chiến lược lớn của Đảng, là một động lực quan trọng để phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nhập kinh tế được xác định là trung tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. Tập trung vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, ưu tiên huy động nguồn lực cho những lĩnh vực, dự án then chốt như của hạ tầng chiến lược về giao thông, về năng lượng như đường sắt tốc độ cao, đường cao tốc, hệ thống cảng biển, sân bay...
“Cần tận dụng hiệu quả các cam kết, thỏa thuận, liên kết kinh tế quốc tế, nhất là các FTA thế hệ mới để tăng cường đan xen lợi ích, không để phụ thuộc vào một số ít đối tác” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Xây dựng vị thế cao hơn, vững chắc hơn
Tổng Bí thư cũng yêu cầu hoàn thiện thể chế trong nước nhằm nâng cao năng lực thực thi các cam kết, thỏa thuận quốc tế. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng cao; chính sách cần phù hợp để thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, quản trị, kỹ năng chuyên môn cho doanh nghiệp và lao động VN…
Hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng, theo Tổng Bí thư Tô Lâm phải hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm lực, vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Hội nhập quốc tế phải phát huy hiệu quả mạng lưới các quan hệ đối tác đã được xác lập để gia tăng tin cậy chính trị, tranh thủ nguồn lực cho phát triển, giải quyết các vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hòa bình.
Tổng Bí thư nhấn mạnh với thế và lực mới, VN có thể vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong những lĩnh vực phù hợp; đóng góp tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn quốc tế…
“Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó” - Tổng Bí thư viết và khẳng định VN phải bắt nhịp với sự vận động của thế giới, tìm ra con đường mang lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển và xây dựng vị thế cao hơn, vững chắc hơn cho đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa khẳng định Nghị quyết 59 đánh dấu bước chuyển quan trọng của Đảng ta về tư duy và định hướng hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, tạo động lực đưa đất nước tiến tới đài vinh quang của độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn thịnh, trường tồn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực phát triển nhanh lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất theo tinh thần của Nghị quyết 57. Hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải hướng tới việc đưa các chuẩn mực, quy định về khoa học công nghệ trong nước tiệm cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến.
Qua đó, nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng không gian phát triển của đất nước, huy động, tranh thủ được nguồn lực quốc tế và phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nước để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, các ngành mới nổi và các lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh hội nhập toàn diện về văn hóa, xã hội, du lịch, môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác... Khắc phục điểm nghẽn về thực thi cam kết, thỏa thuận quốc tế và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách
Coi công tác cán bộ là “gốc”, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập, có chuyên môn, kỹ năng cao, ngang tầm quốc tế, có khả năng tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp quốc tế. Đổi mới, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của địa phương, người dân và doanh nghiệp trong tham gia hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư TÔ LÂM
NGUYỄN THẢO - ĐỨC MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/hoi-nhap-quoc-te-phat-huy-noi-luc-tranh-thu-ngoai-luc-post842467.html