Tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du (Bình Lục) đang áp dụng các phương pháp canh tác trong trồng cây nông nghiệp thân thiện với môi trường. Trên diện tích 5ha, HTX trồng 2ha nho hạ đen và nho mẫu đơn theo tiêu chuẩn hữu cơ công nghệ Nhật Bản với hệ thống nhà màn và giàn tưới nước bán tự động. Trước đó, năm 2018, HTX đầu tư khoảng 2 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và mua cây nho giống. Thời gian đầu, HTX được các kỹ sư của Nhật Bản hướng dẫn, hỗ trợ, chăm sóc cây nho để cho hiệu quả, năng suất và chất lượng.
Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du cho biết: HTX chủ yếu sử dụng phân bò ủ mục bón cho cây nho. Đây là phân hữu cơ rất thích hợp cho việc cải tạo đất, không bị nóng như các loại phân bón khác. Bên cạnh đó, HTX kết hợp bón phân gà, phân vịt phía trên mặt luống cộng với các loại chế phẩm sinh học khác. Bởi vậy, cây nho cho hiệu quả kinh tế khá cao, một năm cho thu hoạch hai lứa vào tháng 5, 6 và tháng 10, 11. Giá bán nho mẫu đơn dao động từ 200 - 300 nghìn đồng/kg, nho hạ đen là 150 nghìn đồng/kg. Các sản phẩm nho đều đạt chất lượng VietGAP, OCOP, chủ yếu tiêu thụ ở các cửa hàng nông sản sạch, hoặc đưa vào chuỗi các cửa hàng Vinmart, siêu thị... Tới đây, HTX sẽ hướng đến áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng và hiệu quả của nho, đủ lượng cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng bảo đảm ổn định về đầu ra của sản phẩm, nhằm giúp mô hình phát triển bền vững hơn.
Nông dân xã Thanh Sơn (Kim Bảng) chăm sóc rau màu.
Cũng như HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du, tại khu vực sản xuất rau an toàn PGS của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn (Kim Bảng), các thành viên đều ký cam kết không sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh; trong quá trình chăm sóc chỉ sử dụng các loại phân bón, chế phẩm vi sinh có nguồn gốc rõ ràng, thu hoạch rau bảo đảm thời gian quy định. Đến nay, HTX có 5ha trồng rau, củ, quả theo quy trình VietGAP, chất lượng nông sản được bảo đảm.
Chị Nguyễn Thị Lan, thành viên HTX ở thôn Thanh Nộn chia sẻ: Từ khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho đi tập huấn ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, tôi áp dụng các biện pháp cải tạo đất để phù hợp với các loại cây trồng. Để chất lượng sản phẩm rau, củ, quả ngon, tôi sử dụng phân bò, phân lợn ủ mục, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ưu tiên sử dụng phân chuồng để cải tạo đất giúp nông dân chúng tôi có thể giảm khoảng 70% chi phí so với phân bón hóa học.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường, các cấp HND toàn tỉnh đã nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường nông thôn, như: “Hội viên nông dân sử dụng làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt”; “Hành lang xanh”; “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”; “Hố ủ rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh làm phân bón”; “Cánh đồng không tàn dư thuốc bảo vệ thực vật”… Đồng thời, đã vận động được 93.805 hộ nông dân ký cam kết trong sản xuất, kinh doanh, chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường vì sức khỏe cộng đồng. Cùng với đó, các cấp HND thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nông dân dùng phân hoai mục, bón phân đủ lượng, cân đối, bón đúng thời kỳ, tăng cường bón phân hỗn hợp có chứa các chất vi lượng và áp dụng kỹ thuật trong phòng, trừ sâu bệnh; hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano nhằm nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Qua đánh giá, nhiều mô hình sản xuất kinh tế theo hướng an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP cho giá trị kinh tế cao hơn so với trước, sản phẩm được xuất bán vào các siêu thị và nhiều kênh phân phối khác. Các mô hình sản xuất đều hướng tới mục tiêu sản xuất những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, do đó tất cả các nguyên liệu sản xuất đều phải bảo đảm sạch; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng đều được kiểm soát theo quy trình nghiêm ngặt.
Để phát triển các mô hình kinh tế một cách hiệu quả, bền vững; xây dựng môi trường nông thôn sạch, nông nghiệp xanh, các cấp HND tiếp tục vận động hội viên, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện đúng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị thu nhập cho người nông dân.
Lê Dũng