Sống lại một di tích
Nằm ở độ cao 490m trên dãy núi Hải Vân, di tích Hải Vân quan là công trình kiến trúc thành lũy quân sự ấn tượng, được xem là một trong những cửa ải hùng tráng bậc nhất Việt Nam. Hải Vân Quan niềm tự hào của người dân hai xứ Thuận - Quảng xưa hay Huế - Đà Nẵng ngày nay. Cuối cùng, Đệ nhất hùng quan trên con đường thiên lý Bắc - Nam cũng đã được phục hồi, tôn tạo thành công.
Hải Vân Quan trước khi trùng tu.
Lịch sử khai khẩn phương Nam không thể không nhắc tới con đèo huyền thoại và địa điểm trên đỉnh núi này, nơi mây trời lớp lớp tụ hội, mà người dân vẫn gọi với cái tên dân dã là Ải Vân (cửa ải trong mây). Mấy trăm năm qua, để khai phá đất Đàng Trong, đã có không ít những bậc tiền nhân, những câu chuyện bi hùng của đoàn lưu dân lầm lũi từ giã cố hương vượt rừng thẳm núi sâu, vượt tai ương, dã thú về phương Nam khẩn hoang mở đất bao thế kỷ còn in dấu nơi này. Hải Vân Quan - nơi nhìn ngược ra Bắc là Phá Tam Giang của đất cố kinh, nơi nhìn xuôi phương Nam là dải nắng vàng biển xanh. Nơi yết hầu ấy cũng là điểm mở đầu cho tiếng đại bác liên quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha năm 1858.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Hải Vân Quan đã chứng kiến nhiều trận chiến khốc liệt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Đồng thời, di tích này cũng chịu tác động nặng nề từ điều kiện khí hậu mưa nhiều, nắng gắt vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Sau nhiều năm chấp chới “ở giữa hai đàng” khiến nhiều người không khỏi xót xa, thì cú bắt tay lịch sử của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã làm sống dậy một hùng quan.
Ngày 19/12/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã cùng nhau phối hợp tổ chức trùng tu, phục hồi di tích Hải Vân Quan với tổng diện tích 6.500 mét vuông, tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng do Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đóng góp mỗi địa phương 50%. Đến ngày 21/12/2024 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố hoàn thành dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan. Công trình này là tài sản chung vô giá.
Và việc cùng hợp tác trùng tu, bảo tồn và khai thác là biểu tượng của quan hệ đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, đây cũng là công trình văn hóa - lịch sử quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thể hiện tấm lòng của hậu thế đối với các bậc tiền nhân có công trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Hải Vân Quan từng là một trong những cửa ải quan trọng nhất của nước ta.
Hải Vân Quan sau bao đời vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh cổng thành uy nghi và hùng dũng như một tấm khiên bảo vệ non sông nước ta. Cổng chính được xây dựng bằng gạch vồ, tường thành bằng đá, cùng dòng Hán tự “Hải Vân Quan” uy nghiêm. Bên trong di tích là nhà trú sở, nhà vũ khố ba gian, nơi từng là địa điểm cất giữ vũ khí và là chỗ nghỉ ngơi của binh lính. Hệ thống tường thành, pháo đài, lô cốt từ thời Pháp - Mỹ cũng được bảo tồn như một minh chứng lịch sử.
Một công trình kiến trúc nghệ thuật và là di tích lịch sử Hải Vân Quan đã được phục hồi kỳ diệu, mang lại nhiều cảm xúc với người tìm đến. Hải Vân Quan là tài nguyên du lịch độc đáo, có tiềm năng liên kết vùng và có thể trở thành “mỏ vàng” nếu được quản lý và khai thác một cách khoa học, hiệu quả.
Hải Vân Quan sau trùng tu.
Sáng bừng một dải di sản
Đèo Hải Vân nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng dài ngót nghét 20km, uốn lượn như một sợi dây thừng chênh vênh vắt qua các sườn núi. Chiều về, nắng đã nhạt, gió cũng nhẹ, vờn đuổi theo những bánh xe vun vút đổ dốc trên con đèo uốn lượn theo lưng núi, mở ra cảnh biển bao la khoáng đạt phía dưới, mới thêm hiểu tại sao đèo Hải Vân được báo The Guardian của Anh xếp vào danh sách “10 cung đường cuốn hút nhất thế giới” từ năm 2015. Cứ lâng lâng như bay thế, bỗng đâu mây ùa ra bay ngang đầu, vờn ngang lưng núi, vấn vít theo vai áo những kẻ đang say mê đổ đèo, lại thêm hiểu vì sao Hải Vân còn được gọi là “đèo mây”. Gió mang hơi thở êm ả từ biển thổi qua từng mỏm đá, rì rào trên những rừng cây, tha thướt cùng mây trời. Bên sườn núi là những thân cây rừng lâu năm rêu phong, mốc thếch vươn mình sau những ngày rét mướt. Những đoàn xe chở khách du lịch nối đuôi nhau thong thả leo dốc, để rồi cùng dừng lại chốn đỉnh đèo chiêm ngưỡng dấu tích của tiền nhân nhiều thế kỷ trước trên con đường thiên lý Bắc Nam nhiều huyền thoại.
Ngược Bắc xuôi Nam trên con đường thiên lý, nhiều người đã biết đến đèo Hải Vân, nơi đó có Ải Vân quan (hay Hải Vân Quan) được Vua Lê Thánh Tông khi đi vi hành qua đây đã phải thốt lên rằng nơi đây thực sự là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Bởi vẻ đẹp có một không hai và vị thế không đâu sánh bằng của nơi này. Hải Vân Quan lưng dựa vào dãy Bạch Mã, mặt hướng Biển Đông, đứng sừng sững trên ngọn núi hướng ra biển lớn.
Bên trong nhà trú sở có các bảng hình ảnh, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt - Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình của du khách.
Với vị trí “độc nhất vô nhị”, Hải Vân Quan từng là một trong những cửa ải quan trọng nhất của nước ta, kiểm soát cả con đường từ phía Nam vào Huế và con đường biển dưới chân núi. Hải Vân Quan với vị thế đặc biệt của mình đã được công nhận là Di tích Quốc gia năm 2017. Nhưng từ trước đó, địa điểm này đã là chốn dừng chân, là điểm tham quan du lịch, là nơi mưu sinh của rất nhiều người. Hiện tại lượng khách du lịch qua lại nơi đây tương đối đông, mỗi ngày cả trăm đoàn khách, chưa tính khách đi lẻ. Những cung đường khúc khuỷu vờn mây, nhìn về phía nam là thành phố Đà Nẵng trẻ trung và sôi động với vịnh biển xanh ngắt trong nắng, phía bắc là bãi biển Lăng Cô yên bình hiền hòa, trên đỉnh là Hải Vân quan với những làn mây trôi lờ lững chậm rãi, rất thích hợp cho tham quan, tour đường dài, tour địa hình… là một trong những thắng cảnh của miền Trung.
Đèo Hải Vân nối Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng dài khoảng 20km, uốn lượn như một sợi dây thừng chênh vênh vắt qua các sườn núi
Dự án trùng tu Hải Vân Quan của hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về công tác khôi phục bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng triển khai các hoạt động phục vụ, thu hút du khách như thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích Hải Vân Quan. Hai địa phương thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan, như triển khai ứng dụng công nghệ 3D, phủ sóng Wifi miễn phí tại điểm tham quan nhằm hỗ trợ du khách tìm hiểu thêm các giá trị di sản. Đồng thời triển khai các hạng mục phụ trợ, đặc biệt là khu vực hậu cần dịch vụ như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn và không gian trưng bày sản phẩm lưu niệm phục vụ khách đến tham quan.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng đã thống nhất phương án giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) luân phiên quản lý Di tích quốc gia Hải Vân Quan theo hình thức quản lý trực tiếp trong thời gian 3 năm một lần. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức các triển lãm, trưng bày, hoạt động gắn liền với Hải Vân Quan để lan tỏa danh thắng đặc biệt này. Sự quản lý chặt chẽ sẽ tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách của địa phương, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Khi có sự chung tay, Hải Vân Quan sẽ lại sống dậy như một thời hào hùng thuở xưa, nơi mà người người đi qua phải nhớ đến.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, 2 địa phương sẽ có kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy di tích này gắn kết với các di tích lịch sử, văn hóa của triều Nguyễn, để tạo nên một tuyến tham quan ý nghĩa, một địa chỉ văn hóa - lịch sử hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, để du lịch đèo Hải Vân thực sự có đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, là điểm dừng chân không thể thiếu trên “Con đường di sản miền Trung”.
Hải Vân Quan rồi sẽ sống dậy, người qua lại trên con đường thiên lý Bắc - Nam sẽ lại được chứng kiến một di tích uy nghi và lừng lẫy trên đỉnh núi, nơi mà đứng từ Đà Nẵng có thể nhìn thấy, đứng từ Lăng Cô cũng có thể quan sát được. Nơi đây sẽ là sợi dây kết nối quan trọng của Con đường di sản miền Trung từ thành quách, đền đài cố đô Huế, đến Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và xuyên dài vào phương Nam. Mười năm, hai mươi năm hay sau đó nữa, trên đỉnh nghìn năm mây trắng này, tượng hình Hải Vân Quan chắc chắn vẫn sẽ sừng sững giữa trời, chạm vào nơi sâu thẳm nhất của lòng người trước những cảm khái lịch sử.
Tiêu Dao