Hồi sinh nghề nấu đường truyền thống

Hồi sinh nghề nấu đường truyền thống
6 giờ trướcBài gốc
Lò nấu đường truyền thống với mái lá đơn sơ ấy là thành quả từ tâm huyết của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kiều Hoanh (40 tuổi), ở thôn Tân Lập. Họ đang từng ngày khơi dậy sức sống mới cho du lịch cộng đồng, bằng chính nghề truyền thống một thời của làng quê Quảng Ngãi.
Khơi dậy hồn quê
Một sáng mùa hè, chúng tôi tìm về thôn Tân Lập, xã Hành Nhân. Ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ đang vào mùa thu hoạch. Từ xa, làn khói bếp quyện cùng mùi mật mía ngọt lịm lan tỏa trong gió, dẫn lối chúng tôi đến với lò nấu đường truyền thống có tên gọi gần gũi là “Ông Năm”.
Bước qua cổng, tất cả giác quan được đánh thức với hương mía ngọt ngào, tiếng lửa reo và tiếng khuấy mật đều đặn từ những chiếc chảo lớn. Thợ nấu đường cùng các nhân công lao động miệt mài khiêng mía, ép mía, tiếp lửa, khuấy mật.
Chị Hoanh luôn tất bật bên lò đường, phụ giúp chồng. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo, công việc dẫu nặng nhọc nhưng ánh mắt chị vẫn rạng ngời niềm vui khi nhắc về ký ức tuổi thơ gắn liền với nghề nấu đường truyền thống một thời của gia đình, làng xóm.
“Tôi lớn lên với tiếng lửa reo bên chòi mía, với những ký ức thật đẹp. Quên sao được, mỗi mùa ép mía, nấu đường, cả xóm rộn ràng như có lễ hội. Lũ trẻ chúng tôi háo hức xin nước chè hai, thưởng thức bánh tráng thơm ngon, củ lang nhúng đường dẻo bùi. Thế nhưng, sau này, những hình ảnh ấy dần vắng bóng theo năm tháng”, chị Hoanh chia sẻ, giọng nghẹn ngào đầy xúc động.
Lò nấu đường truyền thống "Ông Năm", ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đỏ lửa mỗi tuần.
Chị nhớ lại, từng có thời điểm giá mía lao dốc, thu nhập bấp bênh và nhất là kể từ khi có Nhà máy Đường Quảng Ngãi (nay là Công ty CP Đường Quảng Ngãi) hình thành, thu mua mía với quy mô lớn cho người dân, như bao người dân ở những vùng trồng mía nổi tiếng của Quảng Ngãi, người dân xã Hành Nhân lần lượt tháo lò, dỡ chòi, bỏ nghề.
Những chòi ép mía, lò nấu đường dần vắng bóng, nhường chỗ cho sự lãng quên. Tuy vậy, ký ức về nghề nấu đường truyền thống vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí chị. Để rồi, khi cuộc sống dần ổn định, chị mong muốn được khôi phục nghề này, không chỉ để tìm lại ký ức một thời, mà còn để lan tỏa những câu chuyện đẹp về gia đình và quê hương, bằng tất cả niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.
Năm 2024, với số tiền tích góp được qua nhiều năm và nguồn hỗ trợ 90 triệu đồng từ kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, theo Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, vợ chồng chị Hoanh đặt quyết tâm khôi phục nghề nấu đường truyền thống.
Người lao động làm việc tại lò nấu đường truyền thống "Ông Năm".
Lò nấu đường truyền thống được đặt tên là “Ông Năm” và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2025. Tên gọi vừa là thương hiệu nhưng cũng là một cách để gửi lời tri ân sâu sắc dành cho người chú ruột của chị Hoanh, một thợ nấu đường thủ công lão luyện, giàu kinh nghiệm. Hiện, ông cũng là thợ chính, trực tiếp nấu đường tại lò.
Điều khiến nhiều người ấn tượng là lò nấu đường được dựng nguyên vẹn không gian xưa qua từng chi tiết, từ chảo nấu, khung lò đến mái chòi lợp lá. Ở khâu ép mía, vợ chồng chị Hoanh linh hoạt kết hợp máy móc hiện đại nhằm giảm bớt sức lao động cho nhân công. Tuy vậy, vào những dịp đặc biệt, anh chị vẫn tái hiện cảnh ép mía bằng sức trâu như thuở trước, gợi lại ký ức thân quen cho nhiều người.
"Tôi nghĩ rằng, linh hồn của nghề truyền thống cần được gìn giữ, để ai đến lò nấu đường cũng có thể ngửi thấy mùi khói lò, nghe tiếng mật sôi, thấy bàn tay khuấy đường không ngừng nghỉ. Có như vậy, mọi người mới cảm nhận được hồn quê mộc mạc, sống động, cùng dấu ấn vàng son một thời của nghề nấu đường truyền thống Quảng Ngãi”, chị Hoanh chia sẻ.
Viết tiếp câu chuyện làng nghề
Càng về chiều, lò nấu đường truyền thống “Ông Năm” bỗng trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Dòng người kéo về không chỉ để thưởng thức đặc sản quê nhà mà còn để tìm lại một phần ký ức xưa cũ giữa nhịp sống hiện đại. Những bình nước chè hai ngọt dịu, thơm ngon được rót mời kèm bánh tráng và củ lang nhúng đường, hương vị dân dã mà sâu đậm, gợi nhớ một thời tuổi thơ êm đềm cho bao người.
Chị Nguyễn Thị Kiều Hoanh (40 tuổi), ở thôn Tân Lập, xã Hành Nhân là người dành nhiều tâm huyết cho lò nấu đường truyền thống "Ông Năm".
Chồng của chị Hoanh tất bật với công việc ở lò nấu đường.
Bà Nguyễn Thị Vấn (60 tuổi), quê xã Hành Đức (Nghĩa Hành), không giấu được xúc động khi nhận ly nước chè hai từ tay chị Hoanh. Ánh mắt bà bỗng trùng xuống, như lạc vào miền ký ức xa xăm. Bà kể, cha của bà từng là một thợ nấu đường nổi tiếng ở huyện Nghĩa Hành. Thế nhưng, từ khi cha mất, những câu chuyện về nghề nấu đường không còn ai trong gia đình nhắc lại. Vì thế, khi nghe tin vợ chồng chị Hoanh khôi phục lại lò nấu đường truyền thống, mỗi cuối tuần bà đều tìm đến. Không ít lần, bà ngồi lại bên lò đường để tìm lại hình ảnh xưa cũ.
“Bao nhiêu năm rồi, tôi mới lại được ngửi mùi mật thơm, nếm vị ngọt của đường mía. Đến đây, tôi như trở về với tuổi thơ, bên lò lửa ấm áp, với món quà quê giản dị mà cha từng gói ghém, dành trọn tình thương cho mình. Mọi thứ như sống dậy trong ký ức, đầy ắp những tiếng cười và tràn đầy tình yêu thương ở một thời gian khó”, bà Vấn xúc động chia sẻ.
Người dân mua đặc sản được chế biến từ đường ở lò nấu đường truyền thống "Ông Năm".
Hiện tại, lò nấu đường “Ông Năm” có các đặc sản như nước chè hai, mật mía, bánh tráng, củ lang nhúng đường và đường dẻo. Không dừng lại ở đó, chị Hoanh đang ấp ủ kế hoạch sản xuất thêm các dòng sản phẩm như đường muỗng, đường thỏi để đa dạng hóa sản phẩm, nâng tầm giá trị nghề truyền thống và từng bước gắn kết hoạt động nấu đường với du lịch trải nghiệm cộng đồng tại chính những vườn trái cây xanh mát của gia đình.
“Điều tôi quý nhất không phải là số lượng sản phẩm bán ra mà là được chứng kiến nhiều người, đặc biệt là những gia đình trẻ, cùng nhau về đây để tìm hiểu và yêu hơn nghề nấu đường truyền thống của quê hương mình. Để tôi biết rằng, vẫn còn nhiều người như mình, yêu quý và trân trọng những giá trị làng nghề đã từng gắn bó với cha ông đi trước, trong những năm tháng gian khó nhất”, chị Hoanh chia sẻ đầy xúc động.
Lò nấu đường truyền thống "Ông Năm" thu hút người dân và du khách đến tham quan, thưởng thức các đặc sản từ đường như nước chè hai, bánh tráng, củ lang nhúng đường.
Chính từ những nỗ lực âm thầm, bền bỉ của vợ chồng chị Hoanh, nghề nấu đường truyền thống ở làng quê Quảng Ngãi không chỉ được khơi gợi lại mà còn từng bước chuyển mình, hòa nhịp vào làn sóng phát triển của du lịch cộng đồng, loại hình du lịch đang dần trở thành điểm sáng của xã Hành Nhân.
“Vào mỗi dịp lễ, Tết, trung bình xã Hành Nhân thu hút hơn 15 nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch ở đây. Địa phương rất cần những người trẻ như vợ chồng chị Hoanh. Họ đang thắp lên ngọn lửa đam mê, nối dài giá trị truyền thống bằng tình yêu và niềm tự hào với mảnh đất quê hương; góp phần đưa mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn ngày càng phát triển”, Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Trịnh Xuân Dũng nhận định.
Rời lò nấu đường “Ông Năm” trong chiều quê lộng gió, tiếng trâu lộc cộc kéo guồng quay ép mía được tái hiện lại trong một ngày cuối tuần để phục vụ du khách như vọng lại âm thanh của ký ức, của một thời làng nghề còn rộn ràng khói lửa. Giữa nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, vẫn còn đó những con người lặng thầm giữ lửa cho nghề cũ, không chỉ bằng bàn tay lao động mà bằng cả trái tim đau đáu với quê hương, tạo động lực để những làng nghề truyền thống được hồi sinh; góp phần mở ra một hướng đi mới cho du lịch nông thôn, vừa gìn giữ bản sắc, vừa tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
Bài, ảnh: THIÊN HẬU
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/hoi-sinh-nghe-nau-duong-truyen-thong-52661.htm