Hội thảo Đắk Lắk 120 năm hình thành và phát triển

Hội thảo Đắk Lắk 120 năm hình thành và phát triển
2 giờ trướcBài gốc
Việc tổ chức hội thảo nhằm phân tích, thảo luận làm cơ sở để tỉnh hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo động lực thúc đẩy Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành đã phân tích, thảo luận nhiều nội dung chuyên đề như: “Tây Nguyên - Đắk Lắk trong tiến trình hợp nhất của dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam”; “Đắk Lắk - từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai”; “Chiến thắng Buôn Mê Thuột trong tiến trình 120 năm lịch sử tỉnh Đắk Lắk”; “Công nghiệp chế biến nông sản chủ lực - đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk”; “Gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa ở Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay”...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích những thời cơ, thách thức và định hướng, tầm nhìn để xây dựng, phát triển Đắk Lắk trở thành “Trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm phát biểu tại ội thảo.
Nêu ý kiến tại hội thảo, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản cho rằng, với những lợi thế, những giá trị truyền thống cùng với vị trí trung tâm và là động lực của cả vùng, Đắk Lắk sẽ trở thành một điểm nhấn trong bức tranh tổng thể sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. “Qua các nghiên cứu chúng tôi thấy trong thời gian tới các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và các địa phương chú trọng nhiều hơn nữa đến những vẫn đề liên quan đến văn hóa, con người Đắk Lắk, trong đó có việc xây dựng Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo.”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, để khơi thông nguồn lực sẵn có, khai thác sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững vị thế, phát triển ngày càng bền vững, bản sắc trong tương lai, tỉnh Đắk Lắk cần kiên quyết, kiên trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tập trung đổi mới mô hình kinh tế có trọng tâm, trọng điểm thông qua bốn trụ cột tăng trưởng chính: phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; thúc đẩy hoạt động nông nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; phát triển dịch vụ - logistics - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số…
Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại hội thảo.
Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm cho rằng, Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc anh em đang cùng cộng cư. Là tỉnh có đông dân tộc nhất Tây Nguyên. Trong đó 45/49 tộc người có nguồn gốc miền núi. Hai dân tộc tại chỗ đông dân cư trú tập trung là Êđê và M’nông. Ngoài sự đồng nhất về tôn giáo thực hành đa thần vạn vật hữu linh, thì cùng có phong tục tập quán, nghệ thuật diễn xướng gong ching hoặc còn gọi là ching chêng, song hành cùng lễ nghi và sinh hoạt, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa to lớn rất đáng trân trọng.
Riêng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thời gian đầu tập trung chú trọng nhiều ở công tác gìn giữ, bảo tồn cồng chiêng (công tác tuyên truyền; nghị quyết cấm mua bán cồng chiêng; phục dựng các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, làm phim, làm sách về cồng chiêng…), hiện nay công tác gìn giữ, bảo tồn di sản đã và đang dần mở rộng tới tôn tạo bến nước, nhà dài, nghề thủ công... nghĩa là tới môi trường diễn xướng của cồng chiêng Tây Nguyên. Đặc biệt, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1270-QĐ/TTg, ngày 27/7/2011 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm về công tác giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa…
Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, cách nhìn khá toàn diện, đầy đủ, sâu sát về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tầm vóc, vị thế của Đắk Lắk trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ là cơ sở để tỉnh hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Toàn cảnh hội thảo.
“Trong chặng đường sắp tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quan điểm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2; dân số 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Chặng đường lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, gần 50 năm giải phóng, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao (trung bình đạt 8%/năm trong 20 năm gần đây), giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Văn Thành
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doi-song/hoi-thao-dak-lak-120-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-i748393/