Quang cảnh hội thảo.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại-hợp phần: Tăng cường kỹ năng và cơ hội việc làm cho nhóm lao động có nguy cơ bị mua bán cao, đặc biệt là lao động trẻ đang có mong muốn di cư giai đoạn 2023-2025”.
Trong khuôn khổ dự án, IOM đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (nay là Sở Y tế) các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Phòng đồng triển khai hoạt động tư vấn kỹ thuật cho các mô hình kinh doanh vừa và nhỏ.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế phát biểu tại lễ khai mạc.
Hoạt động bắt đầu triển khai từ tháng 3/2023 và tính đến tháng 12/2024, tổng cộng 30 mô hình trên địa bàn các tỉnh đã được hỗ trợ kỹ thuật để phát triển mô hình kinh doanh, tạo thêm việc làm cho lao động ở địa phương, góp phần giảm thiểu mong muốn di cư, đặc biệt là di cư trái phép.
Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện dưới hình thức tư vấn trực tiếp cho từng mô hình dựa trên nhu cầu kết hợp với hội thảo chuyên đề. Hoạt động đã đem lại những kết quả đáng chú ý, như: Doanh thu tăng lên đáng kể so với năm 2023 (trung bình khoảng 16%), ứng dụng công nghệ vào vận hành, sản xuất, thay đổi và mở rộng mô hình kinh doanh, tuyển dụng thêm lao động tại địa phương…
Giám đốc Công ty tư vấn T&C chia sẻ thông tin và kết quả hỗ trợ các mô hình điển hình.
Hội thảo nhằm tổng kết hoạt động dự án, rút ra bài học kinh nghiệm về phương pháp tiếp cận tại các tỉnh; thảo luận, đề xuất hướng tiếp cận và hỗ trợ, giúp các mô hình phát triển, tạo thêm việc làm cho lao động, qua đó, phát triển kinh tế địa phương, giảm mong muốn di cư tìm việc làm, đặc biệt là di cư trái phép.
Đồng thời chia sẻ cơ hội và thách thức trong kinh doanh cho những mô hình kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số/chuyển đổi xanh; tăng cường giao lưu, kết nối giữa các mô hình và doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác trong kinh doanh và thúc đẩy thị trường bán hàng tiềm năng…
Đại biểu tham quan bàn trưng bày sản phẩm của các mô hình.
Đào Vân-Việt Phương