Hội thảo 'Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô'

Hội thảo 'Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô'
7 giờ trướcBài gốc
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn khẳng định, chặng đường 50 năm sân khấu cách mạng trong đó có sân khấu Hà Nội đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho sân khấu cách mạng Việt Nam một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng.
Có thể nói không có một sự kiện lớn nào của Hà Nội và đất nước, sân khấu Hà Nội lại không góp mặt. Không phải là đầu tiên nhưng sân khấu vẫn là một trong những loại hình đến sớm nhất và để lại những dấu ấn đậm nét.
Kịch của Nguyễn Đình Thi như sự khơi mào cho quá trình này đã diễn ra từ hàng chục năm trước nhưng do nhiều điều kiện lịch sử, xã hội đến lúc này mới được khơi thông, ào ạt nhập thế với những Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Doãn Hoàng Giang, Xuân Đức, Chu Thơm, Võ Khắc Nghiêm…
Họ không chỉ làm nhiệm vụ đổi mới sân khấu, đổi mới góc nhìn về cuộc sống, phương thức thể hiện mà còn góp phần thức tỉnh ý thức xã hội, tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc đổi mới tư duy, chấm dứt quán tính nhận thức cuộc sống đơn giản, xuôi chiều của một thời.
Hội thảo thu hút nhiều nghệ sĩ của Thủ đô
Vấn đề hiện thực, con người được soi chiếu từ nhiều góc nhìn hơn, đa diện nên cũng sinh động hơn. Vấn đề thế sự, số phận cá nhân hòa nhập với vấn đề lịch sử, cảm hứng phân tích, suy ngẫm, phê phán về những vấn đề của đời sống cả lịch sử và đương đại đậm nét và gần với cuộc đời hơn.
Bước chuyển quan trọng này của sân khấu vừa như nhân tố tác động quá trình đổi mới diễn ra như nó phải có quyết liệt hơn đồng thời sự vận động của quá trình đổi mới cũng lại đem lại cho đời sống sân khấu nhiều chất liệu mới, thúc đẩy sân khấu phát triển.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cũng cho rằng giới nghệ sĩ nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng vẫn còn cần phải giải quyết rất nhiều những vấn đề của chính mình trong quá trình phát triển hôm nay.
Vở "Bạch đàn liễu" được trao giải Vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020
"Dù xót xa, chúng ta cũng phải thừa nhân thời đại hoàng kim của Cải lương đã qua, các loại hình truyền thống như chèo, dân ca, nhạc cổ truyền…đang mất dần công chúng. Xu hướng giải trí có xu hướng lấn dần nghệ thuật chuyên nghiệp do thị hiếu của đám đông đang nghiêng về sự giải trí đại chúng”, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhận định.
Các tham luận tại hội thảo đã cùng chung nhận định này của NSND Nguyễn Hoàng Tuấn và đề xuất các giải pháp để chấn hưng nghệ thuật sân khấu Hà Nội nói riêng và nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung như: Sân khấu cần chủ động hơn trong việc tiếp cận khán giả bằng hình thức sân khấu học đường; kết hợp với các phương tiện truyền thông, hợp tác với những cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức biểu diễn....
Mặt khác, công tác đào tạo nghệ thuật cũng cần có sự đổi mới. Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với những tài năng nghệ thuật, đòi hòi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có vai trò tiên phong của các cơ sở đào tạo. Phải tạo được sức hút từ cơ chế, chính sách, môi trường học tập, uy tín, thương hiệu của nhà trường…để trao cơ hội và đánh thức niềm đam mê, sáng tạo của thế hệ trẻ.
ĐÀO ANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/hoi-thao-thanh-tuu-50-nam-san-khau-thu-do-129550.html