Hội thảo thực trạng vấn đề sụt lún tại TP Hồ Chí Minh: Chuyên gia lưu ý chú trọng quy hoạch, giảm khai thác nước ngầm

Hội thảo thực trạng vấn đề sụt lún tại TP Hồ Chí Minh: Chuyên gia lưu ý chú trọng quy hoạch, giảm khai thác nước ngầm
4 ngày trướcBài gốc
Hội thảo do Trường ĐH TN&MT TP HCM tổ chức. (Ảnh: Minh Hải)
Ông Nguyễn Thanh Nhuận, Phòng đo đạc, bản đồ và viễn thám, Sở TN&MT TP cho biết, theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tình trạng sụt lún đất nền ở TP HCM diễn ra liên tục từ năm 1990, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 1m, tốc độ lún khoảng 2 - 5cm/năm.
Riêng những khu vực tập trung các công trình thương mại, tốc độ sụt lún khoảng 7 - 8cm/năm. Tốc độ lún đất nền cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1cm/năm).
Quan trắc thời điểm năm 2019 của Bộ TN&MT cũng cho thấy, TP HCM tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất nền, khu vực bị sụt lún lớn nhất với giá trị lún đo được là 31mm, trong đó, diện tích vùng lún nhanh trên 15mm/năm là 14.775ha, diện tích vùng lún tương đối nhanh từ 10 - 15mm/năm là 22.331ha.
So với giai đoạn 1996 - 2014, khu vực quận 8, huyện Bình Chánh, quận 12 vẫn tiếp tục bị lún; khu vực quận 5, quận 10, quận 11 đã không còn xuất hiện các vùng lún. Tuy nhiên, có nhiều vùng lún mới xuất hiện ở khu vực quận 9 (cũ), các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và các quận như Tân Phú, Phú Nhuận, quận 6, Bình Thạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, có bốn nguyên nhân chính gây sụt lún ở TP HCM.
Đầu tiên là nguyên nhân khách quan thuộc về nền địa chất yếu. Kết quả khảo sát cho thấy các nơi lún nặng đều nằm ở nơi nền địa chất yếu. Những nơi này dù không có tác động từ con người nhưng vẫn lún đều đặn qua mỗi năm.
Ba nguyên nhân còn lại là do con người. Đầu tiên là tác động của hoạt động giao thông. Những vùng có tần suất hoạt động giao thông lớn, nhiều xe tải trọng nặng đi qua thì lún nhiều hơn các nơi khác.
Tiếp theo là tác động của công trình dân dụng (nhà, cao ốc, chung cư). Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy việc tác động chỉ mang tính nhất thời khi thi công. Sau đó bề mặt sẽ ổn định, không bị lún hoặc lún rất ít theo thời gian.
Cuối cùng là tác động của khai thác nước ngầm. Trước năm 2010, đây được cho là nguyên nhân gây lún chính ở vùng Gò Vấp, Tân Bình, quận 12, Củ Chi, Hóc Môn… Hiện nay TP HCM đã hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm.
Bốn nguyên nhân trên cũng mang tính tương đối. Hiện nay việc nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân gây sụt lún vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn dữ liệu khảo sát còn chưa đủ.
Theo nhìn nhận của PGS. TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH TN&MT TP HCM, sụt lún đất nền kết hợp triều cường và mực nước biển dâng làm cho nguy cơ TP HCM ngày càng “chìm dần” và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của TP HCM trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đồng thời, sụt lún cũng gây nhiều thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, thời tiết ngày càng cực đoan và nước triều ngày càng cao, hiện tượng sụt lún tại TP HCM sẽ làm cho TP có nguy cơ đối mặt với ngập lụt diện rộng. Để giảm tình trạng sụt lún trên diện rộng, TP cần đồng bộ triển khai các giải pháp như chú trọng đến vấn đề quy hoạch, giảm khai thác nước ngầm... Đặc biệt, TP cần đầu tư một hệ thống giám sát thường xuyên và dự báo về tình hình sụt lún nền đất trên địa bàn nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Báo cáo của Sở TN&MT TP cho thấy việc sụt lún nền đất ở TP HCM bắt đầu xuất hiện từ năm 1990. Năm 2013, Chính phủ giao Bộ TN&MT thực hiện kiểm tra hệ thống mốc cao độ quốc gia và các dự án chống ngập tại TP HCM. Bộ đã giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý so sánh số liệu đo đạc năm 2005 và 2014. Kết quả cho thấy trong vòng 10 năm tốc độ lún ở TP HCM là 10cm, có nơi nhiều hơn.
Các nơi bị lún gồm huyện Bình Chánh, phía nam quận Bình Tân, quận 8, phía tây quận 7, phía tây bắc quận 2 cũ, phía đông quận 12, phía tây nam quận Thủ Đức cũ, phía tây bắc huyện Nhà Bè. Tổng diện tích bị lún là 239km2.
Đặc biệt tại quận Bình Tân, Trung tâm Văn hóa quận này tại phường An Lạc lún 73,3cm/10 năm; Khu công nghiệp Tân Tạo, phường An Lạc A lún 73,2cm/10 năm. Còn Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh ở thị trấn Tân Túc lún 44cm/10 năm.
Sau năm 2014, Bộ TN&MT vẫn tiếp tục quan trắc, kết quả cho thấy điểm lún tại quận Bình Tân đã tăng lên 81,8cm, còn điểm ở huyện Bình Chánh tăng lên 48,8cm.
Bùi Yên
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/hoi-thao-thuc-trang-van-de-sut-lun-tai-tp-ho-chi-minh-chuyen-gia-luu-y-chu-trong-quy-hoach-giam-khai-thac-nuoc-ngam-post531347.html