Đồng chí Vũ Tiến Điền, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước và đồng chí Huỳnh Thị Thùy Trang, Bí thư Thị ủy Phước Long đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có nhiều nhà khoa học, các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, nhân chứng lịch sử…
Hội thảo có 33 tham luận của các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu khoa học, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài quân đội trên địa bàn Vùng Đông Nam Bộ gửi đến.
Ngày 6-1-1975, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc thắng lợi, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long lúc bấy giờ (nay là thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước).
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: QUỐC VIỆT
Tại hội thảo, nhiều tham luận khẳng định Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là đòn trinh sát chiến lược của ta, cung cấp những luận cứ thực tiễn để Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long chẳng những giải phóng hoàn toàn một tỉnh ngay sát Sài Gòn, mà còn cắt đứt Đường 14, cô lập Sài Gòn ở một hướng chiến lược quan trọng và cô lập cả Tây Nguyên. Chiến dịch đã tiệu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn của ta sẵn sàng áp sát, tiến công Sài Gòn. Mỹ cũng không thể vào lại miền Nam và chấp nhận thực tế chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với người Mỹ.
Đồng chí Vũ Tiến Điền, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUỐC VIỆT
Từ Chiến thắng Đường 14 - Phước Long, ta cũng đánh giá và thấy rõ bước suy sụp mới của quân đội Sài Gòn, đã không còn đủ sức để phản kích giành lại những địa bàn chiến lược quan trọng vừa mất. Toàn tỉnh Phước Long - nơi sát Sài Gòn, một địa bàn chiến lược quan trọng bị mất mà không ứng cứu được. Điều đó đặt ra nếu các địa bàn chiến lược khác xa hơn nếu mất, địch càng khó tái chiếm.
Ý kiến tham luận phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUỐC VIỆT
Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là thành quả của quân và dân cả nước, trực tiếp là miền Đông Nam Bộ, là chiến thắng của lực lượng vũ trang ba thứ quân, sức mạnh tổng hợp của cả quân và dân trong chiến dịch. Đó cũng là thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền.
Chiến thắng Đường 14 - Phước Long minh chứng cho sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật quân sự, trình độ, khả năng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm đánh thắng toàn bộ đội quân lớn mạnh hiện đại còn lại của địch ở miền Nam Việt Nam. Chiến thắng là bài học về chọn địa bàn chiến lược chính xác. Phước Long là địa bàn chiến dịch vừa đáp ứng yêu cầu của chiến lược, thích hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của ta. Chiến dịch Đường 14 – Phước Long giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, đưa đến quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bằng sức mạnh của cả dân tộc.
Chiến thắng cho thấy, Trung ương Đảng hết sức coi trọng và phát huy vai trò của tập thể và các lãnh đạo trực tiếp tại chiến trường; lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường tuân thủ ý đồ chiến lược và sự chỉ đạo của Trung ương. Sự kết hợp này đã trở thành truyền thống và kinh nghiệm quý giá của Đảng.
Theo đồng chí Vũ Tiến Điền, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước, Chiến thắng Đường 14 - Phước Long để lại nhiều bài học vẫn còn nguyên tính thời sự trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là bài học về xây dựng, sử dụng đòn trinh sát chiến lược không chỉ có giá trị trong lĩnh vực quân sự, trong sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, mà còn hết sức ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
VIỆT DUY