Còn người còn trận địa. Họa sĩ Mai Văn Kế, 1972.
“Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù”
Cuối năm 1967, khi chiến trường miền Nam đang ở vào giai đoạn quyết liệt, chàng thanh niên Ninh Công Hứng, xã Yên Ninh (Ý Yên) khi ấy đang là công nhân đường sắt tại Đồng Mỏ (Lạng Sơn) đã viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu. Tháng 2/1968, Ninh Công Hứng chính thức nhập ngũ tại Ban Trinh sát, Trung đoàn 75, chiến trường B2, miền Đông Nam Bộ. Trước đó, ông tham gia huấn luyện 2 tháng ở Thạch Thành (Thanh Hóa). Nhớ lại những kỷ niệm ngày mới vào quân ngũ, ông Hứng cho biết: “Để chuẩn bị cho những ngày vượt Trường Sơn vào chiến trường, chúng tôi rèn luyện bằng cách đeo đá trên lưng. Trọng lượng đá tăng dần theo ngày, có khi lên tới 30kg”. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông Hứng đã tham gia chiến đấu ở nhiều trận địa trọng điểm như: chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), đánh các địa điểm Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp. Đầu năm 1973, ông được điều chuyển về Trung đoàn 115, Sư đoàn 2 đặc công, nhận nhiệm vụ đánh Gia Định (Sài Gòn). Đêm 26/4/1975, đơn vị ông được lệnh đi phá cầu Cát (Sài Gòn), đêm 28/4, trước diễn biến thực tế tại chiến trường, ông Hứng cùng các đồng chí, đồng đội nhận mệnh lệnh mới, giữ vững trận địa cầu Cát. Sau chiến thắng ngày 30/4/1975, ông tham gia trong đoàn diễu hành đón Phái đoàn miền Bắc do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vào tiếp quản Dinh Độc Lập. Đơn vị ông sau đó còn tham gia thành lập chính quyền mới ở Gò Vấp, chiến dịch X1, đánh tư sản. Tháng 4/1976, ông Hứng ra quân về làm xã đội trưởng trong 2 năm. Cuối năm 1978, khi tình hình biên giới phía Bắc ngày càng căng thẳng, ông tái ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979. Năm 1984, ông nghỉ mất sức về quê tham gia lao động sản xuất.
14 năm lăn lộn khắp các chiến trường, ông Hứng có rất nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, trận đánh thị xã Hậu Nghĩa (Long An) đã để lại nhiều ấn tượng nhất trong ông. “Trận Hậu Nghĩa, mục tiêu của đơn vị là đánh khu cảnh sát và dinh tỉnh trưởng Long An. Đêm đầu tiên, chúng tôi đã áp sát được mục tiêu. Đêm thứ 2, khi xâm nhập được vào mục tiêu, địch nhanh chóng phát hiện phát báo động và sử dụng đại liên bắn liên tục. Trước hỏa lực mạnh của địch, nhiều đồng chí, đồng đội của tôi bị thương, ngã xuống ngay tại trận địa. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Với người lính, ý chí giết giặc, giải phóng đất nước còn mạnh mẽ hơn cả nỗi sợ hiểm nguy, hy sinh. Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù”, ông Hứng kể. Những ngày sau đó cùng đoàn quân tham gia lập chính quyền xóm mới ở Gò Vấp cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng ông Hứng. Đây là một xóm có đông đồng bào theo đạo Công giáo. Ban đầu, khi quân giải phóng tiến vào, người dân không đồng tình, ủng hộ. “Tuy nhiên, sau nhiều ngày làm công tác dân vận một cách khéo léo, chúng tôi đã thuyết phục được bà con đồng lòng xây dựng chính quyền cách mạng mới. Khi bà con ủng hộ, “tình cảm” của người dân với quân giải phóng hoàn toàn khác. Đi đến đâu chúng tôi cũng được bà con quý mến, che chở, yêu thương. Nghĩa tình trong những năm tháng ấy khiến tôi không thể nào quên”, ông Hứng chia sẻ thêm.
Tri ân những công lao của cựu chiến binh Ninh Công Hứng, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều danh hiệu cao quý: 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; 2 Huân chương Chiến thắng vẻ vang; 1 Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1.
Cựu chiến binh Ninh Công Hứng, xã Yên Ninh (Ý Yên) và cựu chiến binh Trần Ngọc Mạo, xã Trực Nội (Trực Ninh) kể lại những kỷ niệm chiến trường cho thế hệ trẻ.
"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"
Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Lê Hồng Phong năm 1963, ông Trần Ngọc Mạo, quê xã Trực Nội (Trực Ninh) xung phong nhập ngũ, đơn vị Tiểu đoàn 15 Công binh, Sư đoàn 304. Năm 1965, khi Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đổ quân ồ ạt vào miền Nam, Sư đoàn 304 nhận lệnh hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Đơn vị ông Mạo ngay sau đó được lệnh tham gia chiến dịch Plei Me, đánh những trận quyết liệt với Sư đoàn Kỵ binh không vận 1 của Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, dưới chân núi Chư Prông (Gia Lai). Từ năm 1965-1968 liên tiếp ông Mạo tham gia các trận chiến Chư Păk, Chư Prông, Đăk Tô, Tân Cảnh, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập… Năm 1968, ông Mạo cùng đơn vị tiến đánh khu vực phía Bắc Buôn Mê Thuột và Sóc Con Trăng (Tây Ninh). Từ cuối năm 1968-1972, ông tham gia đánh giặc ở các chiến trường miền Đông Nam Bộ rồi chuyển về Bộ Chỉ huy Miền. Từ năm 1972, đơn vị chủ yếu nhận lệnh tiến đánh các trận nhỏ lẻ về giao thông và phục kích. Tháng 4/1975, đơn vị ông Mạo khi ấy là Lữ đoàn 55 nhận nhiệm vụ mới, đảm bảo an toàn các công trình để các quân đoàn tiến vào Sài Gòn. Khi Quân đoàn 4 đánh Long Thành (Biên Hòa) rồi thẳng tiến thọc sâu nội đô Sài Gòn, Dinh Độc Lập, đơn vị của ông cũng theo Quân đoàn 4 vào Sài Gòn. Nhớ lại những ngày tháng hào hùng theo các cánh quân tiến đánh Sài Gòn, ánh mắt người cựu binh già rực sáng. “Càng về cuối cuộc chiến, chiến trường càng ác liệt. Tuy nhiên, những người lính chúng tôi lúc đó chỉ có một khát khao, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối. Chuyện “sống, chết” lúc ấy so với hòa bình, độc lập dân tộc trở nên nhỏ bé”, ông Mạo kể.
Với “hành trang” mang vào chiến trường là tình yêu đất nước vô bờ bến và tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, trong suốt những năm tháng tham gia chiến đấu, ông Mạo từng 2 lần bị thương. Đó là vào các năm 1968 và 1972, ông bị dính bom của máy bay B52 rải thảm, bị mảnh đạn bắn vào mắt, tai, đầu, chân. Bị thương, ông nhanh chóng được đồng đội đưa vào trạm xá quân y sơ cứu rồi lại tiếp tục lao ra chiến trường chiến đấu. Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, trong 2 năm 1977-1978, ông Mạo tiếp tục tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Năm 1980, ông xuất ngũ trở về xây dựng quê hương. Từ năm 1982 đến năm 1989, khi phong trào xây dựng các hợp tác xã mua bán sôi nổi khắp miền Bắc, ông đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm hợp tác xã mua bán phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định). Từ năm 1985-2023, ông tham gia cấp ủy, sinh hoạt và đảm nhận nhiều trọng trách của Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh ở tổ dân phố số 8, phường Năng Tĩnh.
Tri ân những đóng góp lớn lao của ông Mạo, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2; Huân chương Chiến công hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng các hạng 1, 2, 3; các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ đánh phá giao thông. Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tỉnh hội…
Chiến tranh đã đi qua tròn 50 năm, tuy nhiên trong ký ức của những người lính từng tham gia những ngày trận mạc ác liệt trên các chiến trường miền Nam, kỷ niệm vẫn còn… rất mới. Rưng rưng trong lòng họ còn đó những ngày cùng đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử, nghĩa đồng bào, tình quân dân thắm thiết, tình cảm bạn bè quốc tế vô tư, trong sáng… Những ký ức tự hào đó là động lực để họ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh; khơi dậy, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
Bài và ảnh: Hoa Xuân