Hồi ức nữ du kích 'rắn quấn bên chân' trong thơ Tố Hữu

Hồi ức nữ du kích 'rắn quấn bên chân' trong thơ Tố Hữu
6 giờ trướcBài gốc
Nhắc đến chiến công của quân và dân Hải Dương trong kháng chiến chống Mỹ, không thể không nhắc đóng góp của đội du kích xã Lai Vu và cô du kích Bùi Thị Vân với hình ảnh "rắn quấn bên chân vẫn bắn thù" đã đi vào thơ của Tố Hữu.
"Túi đựng bom" Lai Vu
Trong ngôi nhà khang trang tại khu tập thể Viện Nghiên cứu Ngô ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), bà Bùi Thị Vân (SN 1948, tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) lần giở những bức ảnh cũ trong cuốn album gia đình, tìm lại ký ức hy sinh gian khổ nhưng vô cùng sôi nổi của một thời tuổi trẻ.
Bà Bùi Thị Vân.
"Khi vừa tròn 17 tuổi, như nhiều thanh niên trong xã, vừa vào đoàn là tôi xung phong vào đội du kích. Lúc bấy giờ, xã Lai Vu là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Trừ người già và trẻ em đã sơ tán, hầu hết người dân Lai Vu đều tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu", bà Vân kể.
Trong hồi ức của bà, xã Lai Vu, huyện Kim Thành trở thành "túi đựng bom" trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Nơi đây là địa bàn trọng điểm có tuyến đường huyết mạch quốc lộ 5 (gồm đường sắt, đường bộ, đặc biệt là cầu Phú Lương và cầu Lai Vu).
Suốt một thời chiến đấu bảo vệ mảnh đất Lai Vu, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là được đi vào thơ của Tố Hữu mà tôi không hay biết. Đến mãi sau này có người chép lại cho, tôi mới biết.
Bà Bùi Thị Vân
Năm 1965, tỉnh Hải Dương thành lập Tiểu đoàn pháo cao xạ gồm 3 đại đội pháo 37mm và 2 trung đội đại liên; thành lập 34 chốt bắn máy bay của dân quân, du kích các xã: Lai Vu, Cộng Hòa (Kim Thành); Hồng Lạc, Việt Hồng (Thanh Hà), Ái Quốc, Phú Diễn, Đồng Lạc, An Châu, Nam Hồng (Nam Sách), Ngọc Châu (thị xã Hải Dương), tạo thế trận phòng không bảo vệ huyết mạch giao thông miền Bắc.
Ngày 5/11/1965, Mỹ cho máy bay đánh phá cầu Lai Vu, mở đầu cho cuộc đánh phá tại Hải Dương. Ngay từ loạt đạn đầu, quân và dân nơi đây đã bắn rơi chiếc máy bay F8U và bắt sống giặc lái.
Trong các đợt đánh phá cầu Lai Vu lần thứ hai (ngày 17/11/1965) và lần thứ ba (ngày 1/12/1965), đế quốc Mỹ đã bị bắn rơi 8 máy bay các loại.
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù
Chiến công vang dội của quân và dân Hải Dương trong kháng chiến chống Mỹ, không thể không nhắc đến đóng góp của đội du kích xã Lai Vu và cá nhân cô du kích Bùi Thị Vân.
Bà Bùi Thị Vân vinh dự được gặp và chụp ảnh với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
"Đội du kích do anh Nguyễn Văn Thìn làm đội trưởng, chia 2 tổ, thay phiên trực chiến. Lúc đó, đội chỉ được trang bị súng trường bộ binh, sau này mới được trang bị thêm khẩu trung liên. Máy bay địch thường bay thấp để tránh hỏa lực tầm cao. Nhiệm vụ của đội là bắn thật rát để xua máy bay lên cho pháo cao xạ tiêu diệt.
Khi không trực, chúng tôi lao động sản xuất hoặc rèn luyện các bài phối hợp chiến đấu. Tối lại tập trung sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để biểu diễn phục vụ bộ đội chủ lực. Đó là những ngày rất vui, nhiều ý nghĩa", bà Vân nhớ lại.
Khi được hỏi về hình ảnh "rắn quấn bên chân vẫn bắn thù" được thể hiện trong tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu, bà xúc động: "Mỗi du kích có một hố cá nhân chiến đấu. Hôm đó trời mưa, hố của tôi đầy nước. Dưới hố có một con rắn, đội trưởng đội du kích loay hoay không bắt được. Vốn sợ rắn, tôi không dám xuống.
Đúng lúc đó, tiếng còi báo động vang lên, tôi quên sợ, nhảy phắt xuống hố ngắm bắn máy bay địch. Khi máy bay địch rút, nhớ đến con rắn còn dưới hố, tôi mới hoảng hồn nhảy vội lên bờ, nhìn chân đã bị rắn cắn gần chục vết. Rất may không phải là rắn độc nên tôi thoát chết".
Năm 1967, có dịp về công tác tại xã Lai Vu, nhà thơ Tố Hữu nghe câu chuyện về nữ du kích Bùi Thị Vân. Cảm phục tinh thần chiến đấu quên mình của đội du kích xã Lai Vu và cô du kích nhỏ Bùi Thị Vân, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ "Tâm sự": "… Chuyện cô du kích xóm Lai Vu/Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù/Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước/ Rắn, mình em chịu, có sao đâu!".
Tiếp lửa cho thế hệ sau
Sau một thời gian chiến đấu trực tiếp, nữ du kích Bùi Thị Vân chuyển sang làm liên lạc cho xã đội. Hình ảnh cô gái nhỏ bé, chạy thoăn thoắt như con thoi giữa các trận địa để truyền tin, báo cáo tình hình cho ban chỉ huy xã đội được các chú bộ đội trìu mến đặt biệt danh "con thoi trong tuyến lửa".
Đến năm 1967, cô du kích Bùi Thị Vân xin vào làm công nhân ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm miền Bắc.
Sau đó, bà theo chồng lên làm công nhân tại Trại ngô sông Bôi (Hòa Bình). Đến năm 1988, bà cùng chồng chuyển về công tác tại Viện Nghiên cứu Ngô ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội).
Ở tuổi gần 80, sống điền viên cùng con cháu ở khu tập thể của Viện Nghiên cứu Ngô, bà Vân vẫn giữ phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang".
Ông Bùi Khắc Ngát, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lai Khê, huyện Kim Thành chia sẻ: Hình ảnh nữ du kích xóm Lai Vu "rắn quấn bên chân vẫn bắn thù" là niềm tự hào, động viên các thế hệ thanh niên xã Lai Vu (nay là xã Lai Khê) xung phong lên đường tòng quân.
"Ngày nay, trong các buổi nói chuyện lịch sử, lễ kỷ niệm ở địa phương, chiến công của quân và dân xã Lai Vu và của cô du kích Bùi Thị Vân vẫn được nhắc đến với tinh thần kính trọng và biết ơn sâu sắc. Những nữ du kích như cô Vân tô sáng thêm truyền thống "anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang" của phụ nữ Việt Nam, trở thành vốn văn hóa quý cho nhân dân trong xã", ông Ngát chia sẻ.
Vị Thủy
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/hoi-uc-nu-du-kich-ran-quan-ben-chan-trong-tho-to-huu-192250429172417332.htm