(Minh họa: Hữu Phương)
Anh nắng chiều xuyên qua đám cỏ lau theo gió đung đưa làm nổi rõ những sợi lông tơ mềm mại lung linh sáng trên đồng cỏ mênh mông - bãi đất lý tưởng cho trẻ em chiều chiều đến thả diều. Thỉnh thoảng, tôi hay ra đó, ngồi ngắm những con diều đủ màu sắc, đa kiểu dáng đang bay lượn trên bầu trời. Ánh mắt háo hức, lấp lánh nụ cười đầy thích thú của những em bé đang dõi theo con diều của mình như muốn cùng bay cao với chúng, chỉ nhìn thôi, tôi cũng cảm thấy vui như đang quay về tuổi thơ... Trẻ em bây giờ có nhiều thú vui giải trí hơn trẻ em ngày trước. Ngày xưa, bọn con nít tụi tôi nếu có được con diều như vậy chắc sẽ mê tít thò lò, suốt ngày nhìn ngắm, nâng niu và tự hào lắm lắm!
Hồi đó, má thường đưa chúng tôi về quê ngoại chơi, dù chỉ là những hoạt động hàng ngày, những thú vui dân dã của mấy anh chị con nhà cậu thôi cũng đủ hấp dẫn đứa con nít thị thành như tôi. Khi con nước lớn, chị Phúc, chị Hạnh hay rủ chúng tôi ra bờ đập câu cá bống.
- Có đứa nào đi theo tui câu cá không ta? - Chị Phúc nheo mắt nhìn tôi cười lém.
Chỉ cần “mời lơi” một tiếng là tôi đã hào hứng phóng theo chị ngay. Tôi khệ nệ bưng nào thau, nào rổ, mồi câu theo chị. Tôi hồi hộp, chăm chú nhìn vào kẹt bụi dừa nước, nơi chị Phúc thả cái cần câu vào đó và không phải chờ đợi lâu:
- Giựt! giựt!... Cá cắn câu kìa chị Phúc ơi! - Tôi mừng quýnh la lên khi thấy cây cần câu bị lôi đi.
Chị Phúc giật mạnh rồi nhanh tay hứng con cá bống lọt vào rổ tre. Cái cần câu không có lưỡi, chỉ đơn giản là nhánh cây bình bát, cột dây gân với một chùm trùn đất, “vũ khí” thô sơ như vậy nhưng qua tay “sát cá” như chị Phúc thì quả thật lợi hại vô cùng! Chẳng mấy chốc, chị em tôi được một thau cá bống to, chắc chắn chiều nay sẽ có món cá bống kho tiêu ngon tuyệt với tài nấu nướng của chị Hạnh. Buổi chiều xuống nắng, tôi đi theo anh út Phước ra ngoài cánh đồng trước nhà ngoại thả diều. Con diều “thần thánh” mà anh Phước cặm cụi làm cả buổi mới xong. Anh chuốt tre và cọng dừa bo thành cái khung hình thoi cho đầu con diều, anh còn điệu đà cắt giấy đỏ làm mấy sợi râu dán hai bên đầu con diều cho sinh động. Tôi phụ anh cắt nhiều đoạn giấy báo làm hai cái đuôi diều để khi bay lên, nó uốn lượn đẹp mắt hơn. Tuy cũng có gạch hàng cho ngay thẳng nhưng với trình độ thủ công lớp một của tôi, cắt một hồi mấy đoạn đuôi diều như dị tật, chỗ mập, chỗ ốm không đều, vậy mà cuối cùng cũng được anh Phước vui vẻ “nghiệm thu sản phẩm”. Thấy tôi có vẻ không vui, anh Phước nhìn tôi cười dí dỏm, động viên:
- Chuyện nhỏ! miễn sao có cái đuôi để diều bay được là tốt rồi!
Thế là hai anh em cùng nhau dán. Hồi đó không có keo dán, không biết làm bột hồ, chỉ biết lấy cơm nguội làm keo nên chỗ mối dán lộm cộm hột cơm nhìn xấu thấy ớn. Tuy vậy, khi ra ngoài đồng, con diều bay lên trông cũng ra dáng lắm!
… Mấy năm sau, một ngày gần cuối tháng tư, má hối hả đem hai đứa con nhỏ nhất nhà là anh Sáu và tôi về ngoại gởi. Tiếng súng nổ khắp nơi, không chỗ nào được an toàn. Lần về quê này, tôi không còn được chơi như lúc trước, bom đạn bay trên đầu không biết nó dừng lại ở đâu, ai cũng nơm nớp lo sợ, hoảng loạn. Nhà dì và cậu tôi đều gần khu ấp chiến lược, thấy quá nguy hiểm nên mọi người bàn nhau chạy về nhà ông Bảy ở phía xa hơn cho an toàn. Đi đến đó phải băng đồng chứ không dám ra đường chính, một con bé chín tuổi như tôi vừa chạy, vừa khóc, lần đầu tiên chứng kiến dọc đường nào áo mũ, súng ống, vật dụng, tư trang, xác chết,… Con bé chín tuổi bị ám ảnh hai từ “chiến tranh” kể từ giây phút đó. Thỉnh thoảng, đạn bay vèo qua đầu làm cả đoàn già trẻ, lớn bé đều sợ hãi, ngồi thụp xuống rồi lại đi tiếp, mong cho mau về đến nơi trú ẩn an toàn.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà ông Bảy, gặp rất nhiều bà con tập trung ở đó, lúc ấy mới hoàn hồn. Ông Bảy là người tử tế hay giúp đỡ mọi người nên ai tới, ông cũng chào đón, sắp xếp chỗ nghỉ đàng hoàng. Khu nhà ông rộng lớn và khá chắc chắn nên nhiều người đến trú ngụ. Ai cũng cảm thấy an tâm đôi chút, không ai bảo ai nhưng tất cả đều cùng cầu nguyện cho ngưng tiếng súng, đất nước sớm thanh bình để mọi người được sống bình yên trở lại như xưa. Tôi nhớ hoài bữa cơm đầu tiên ở nhà ông Bảy với món canh khoai tím, tép rang sao mà ngon lạ lùng! Ăn xong, mọi người tập trung sắp xếp chỗ nghỉ ngơi. Đột nhiên, dì Ba Bảo lôi cây dù trong bao đồ mà má con dì gom vội từ nhà đem qua:
- Trời đất cơi! Coi má tui bả bẻ cây dù nhét vô bao cho gọn nè! Mà không biết sao lúc đó má tui mạnh dữ vậy ta? - Vừa nói, dì vừa đưa cây dù quẹo đơ bị bà Hai bẻ lên, ai cũng cười ngất.
Bà Hai gần chín mươi, nhỏ hơn ngoại tôi vài tuổi, tuy còn khỏe nhưng lúc nhớ, lúc quên, giống y ngoại. Mợ Sáu ngồi dựa lưng vô vách vừa quạt cho ngoại, vừa kể với mọi người, mỗi lần ngoại tôi lẫn mỗi kiểu làm cả nhà mợ nhiều phen hú vía: Có đêm ngoại mặc áo dài trắng, đứng nói chuyện một mình trong kiếng. Chị Hạnh đang ngủ nghe tiếng ngoại giật mình dậy thấy tưởng ma, hoảng hốt la làng. Ngoại thường không nhớ ra người thân nào trong nhà, thấy con gái về, ngoại hỏi:
- Cô kiếm ai vậy? Má tui hỏng có nhà!
- Má hỏng biết con là ai hả?
- Hông! Vô này ngồi uống nước chơi, chút má tui dìa.
Mặt bà ngoại tỉnh bơ, hồn nhiên như đứa trẻ.
Tôi nghe mà thương ngoại quá chừng! Mợ Sáu có chút chạnh lòng:
- Không biết sau này già tui có bị lẫn giống như má chồng không nữa?!…
Chú Năm ngồi xoa xoa lưng cho thằng con cũng góp chuyện. Nó bị bệnh thiểu năng khù khờ từ nhỏ, lẩn quẩn chơi trong nhà không chịu đi đâu nên dụ nó từ dưới bến đò lên đây phải mất nửa ngày, ngồi chưa nóng chỗ cứ đòi về. Cô Tư bán bánh mì thì mặt buồn rười rượi lo lắng, bất an, không biết giờ chồng cô ra sao. Hồi sáng, chú nói đi lấy bánh mì về bán, cô Tư cản đừng đi nhưng ổng không nghe, rồi tới giờ vẫn chưa về mà không biết làm sao để liên lạc. Ai cũng có hoàn cảnh, tâm trạng riêng nên cả đêm không ai ngủ được. Những ngày sau đó như thế nào tôi không nhớ rõ, chỉ biết ở nhà ông Bảy vài ngày thì hòa bình, không còn nghe tiếng súng, chúng tôi được má đón về lại nhà ở Tân An.
Ngày ấy - cái ngày 30-4 năm đó, đến nay đã năm mươi năm, một nửa thế kỷ! Căn nhà của ngoại giờ là nhà thờ, cậu mợ tôi đã qua đời, mấy chị có gia đình ở riêng nên chỉ tụ họp vào những ngày giỗ. Anh Phước là con của cậu tôi - cháu nội đích tôn của ngoại, lấy vợ sang Mỹ đã hơn 30 năm. Quá nửa đời người xa xứ nhưng lòng anh vẫn luôn đau đáu nhớ quê hương nên quyết định về Việt Nam sinh sống. Ngày đầu tiên anh Phước về, bà con xóm giềng ai cũng vui mừng. Những người bạn cùng trang lứa với anh, kẻ mất người còn, nhắc chuyện xưa ai cũng bùi ngùi xúc động… Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là lúc nhìn thấy cái tủ thờ xưa của ngoại vẫn nằm nguyên vị trí ở góc tường gần cửa buồng. Khi cửa tủ mở ra, anh ngạc nhiên đến sững sờ! Bên trong tủ có rất nhiều món đồ xưa cũ nằm cạnh một con diều giấy được xếp ngay ngắn trong bịch nylon. Con diều mà mấy chục năm trước tự tay anh làm, trong đó cũng có công của tôi, những nhát kéo “ba xí ba tú” của con nhỏ học lớp một hồi đó. Cả một bầu trời tuổi thơ ùa về khiến anh và tôi bật khóc như những đứa trẻ lạc mẹ.
Năm tháng trôi qua, đất nước đổi thay nhiều nhưng ký ức về quê hương với những buồn vui trong mỗi chúng ta vẫn nguyên vẹn ở đó. Những cánh diều mộc mạc, đơn sơ của trẻ con ngày xưa hay những cánh diều rực rỡ sắc màu của trẻ em hôm nay dù khác hoàn cảnh, không gian, thời gian nhưng trong tâm hồn mỗi đứa trẻ đều chung hồi ức đẹp về cánh diều tuổi thơ với những ước mơ trong suốt. Dù có bay cao, bay xa đến đâu, lòng vẫn luôn hướng về quê hương với tình yêu thương không bờ bến. Như giai điệu, ca từ da diết của bài hát Quê Hương.
“Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày… Quê hương là con diều biếc, Tuổi thơ con thả trên đồng. Quê hương là con đò nhỏ. Êm đềm khua nước ven sông… Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người…”.
Những ngày tháng tư của năm mươi năm trước đã cho chúng tôi nhiều cảm xúc không thể nào quên, biết trân quý bài học lớn về giá trị của sự bình yên. Bình yên đó được đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao nhiêu người đã hy sinh cho quê hương hôm nay và mai sau…/.
Kiều Oanh