Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 13/5. (Nguồn: Quốc hội)
Cụ thể, buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Buổi chiều: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
* Trước đó, chiều 13/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định về hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy định về quản lý Nhà nước đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cho rằng, cần quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ hàng năm của các bộ, ngành, địa phương phải dành cho đặt hàng các sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước. Việc quy định rõ ràng một tỷ lệ bắt buộc sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay.
Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Nghị định kèm theo quy định cụ thể về phương án tài chính đối với hoạt động đặt hàng theo hướng khoán chi để đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cho phép trích lập tối đa là 15% thu nhập tính thuế.
Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Đề cập đến nội dung đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh cho rằng, một điểm tích cực trong dự thảo Luật là đã lần đầu tiên luật hóa hai nội dung quan trọng là Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia (Điều 38) và Sàn giao dịch vốn khởi nghiệp sáng tạo (Điều 39).
Đây là những cơ chế thể chế có thể tạo cú hích đáng kể cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nếu được thiết kế và triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, do đặc thù của thị trường đầu tư mạo hiểm là “cao rủi ro - cao kỳ vọng”, đồng thời có thể sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nên Dự thảo cần quy định rõ hơn về các cơ chế giám sát, phòng ngừa rủi ro tài chính và đảm bảo minh bạch thị trường.
Gia Thành