Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội chiều 27/5. (Nguồn: Quốc hội)
Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
* Trước đó, chiều 27/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự án Luật đã lược bỏ các nội dung chi tiết, mang tính kỹ thuật, các vấn đề mới đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định để giao Chính phủ, Bộ trưởng, địa phương quy định theo thẩm quyền nhằm đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã lược bỏ một số thuật ngữ không còn phù hợp và một số hành vi bị nghiêm cấm để phù hợp với thực tế, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, dự án Luật cũng lược bỏ quy định đối với 20% số lượng thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh so với Luật Đường sắt hiện hành để đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt. Ngoài ra, trong dự án Luật đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Về kết nối đường sắt (Điều 13), Ủy ban đề nghị làm rõ và nghiên cứu, bổ sung một số quy định quan trọng như: cơ chế kết nối đồng bộ và hiệu quả giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác; tiêu chí công suất của các cảng, đặc biệt là về cảng cạn và cảng hàng không; việc quyết định kết nối ray giữa các tuyến đường sắt chuyên dùng; nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế phối hợp liên ngành.
Về đầu tư xây dựng công trình đường sắt (Điều 19) và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt (Điều 21), một số ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035.
Một số ý kiến khác đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Điều 19, Điều 21 để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật.
Gia Thành