Hôm nay các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường, thảo luận 2 dự án luật, 1 nghị quyết.
Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung trên.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân và thảo luận về nội dung này.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho rằng, việc xây dựng, ban hành dự án luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Việc sửa đổi, bổ sung 4 luật này cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng tới chuẩn mực quốc tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
Tại phiên họp thứ 38 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật này. Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật này.
Do dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn, thời gian rất ngắn, để chủ động hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Kinh tế tổ chức cuộc làm việc, trao đổi với một số tổ chức, doanh nghiệp về dự án Luật để nhận các ý kiến tham gia, góp ý từ thực tiễn, qua đó góp phần hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Dự thảo Luật Phòng không nhân dân gồm 8 chương với 55 điều, tập trung vào 5 chính sách lớn, bao gồm: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân.
Dự án Luật đã được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Quân ủy trung ương, Bộ quốc phòng, Chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đã đặt phòng không nhân dân là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân.
Ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thắng lợi trong cục diện chiến trường.
Nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động phòng không nhân dân là trực tiếp thực hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các chuyên gia luật cho rằng, dự thảo Luật lần này cố gắng đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật việc huy động các tổ chức, cá nhân và nhân dân tham gia vào các hoạt động phòng không nhân dân; quy định việc tổ chức xây dựng lực lượng phòng không nhân dân trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, các công trình năng lượng lớn của quốc gia; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý UAV, phương tiện bay siêu nhẹ; công tác quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, độ cao giới hạn chướng ngại vật phòng không xung quanh các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.
Anh Sơn