Hôm nay khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Kỳ họp lịch sử

Hôm nay khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Kỳ họp lịch sử
6 giờ trướcBài gốc
Hôm nay, 5-5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc. Trước bối cảnh cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền 2 cấp và Trung ương xác định phải đổi mới công tác xây dựng, thi hành luật pháp, kỳ họp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn xác định là “kỳ họp lịch sử, quyết định những vấn đề lịch sử”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định: “Kỳ họp này không những mang tính lịch sử khi quyết định những vấn đề lịch sử mà việc đổi mới công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp sẽ đặt nền tảng quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH
Thực hiện những cải cách thể chế quan trọng
. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, kỳ họp lịch sử này còn gắn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước?
+ Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Đất nước ta vừa bước qua thời khắc 30-4 lịch sử, đánh dấu 50 năm thống nhất đất nước. Không khí phấn khởi, vui tươi, tràn đầy hy vọng ấy vẫn đang hiện diện ở nhiều nơi, trong lòng người.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Những sự kiện trọng đại, những dấu mốc lịch sử đó càng khiến cho kỳ họp này càng trở nên ý nghĩa.
Kỳ họp này không chỉ giải quyết các vấn đề cấp bách mà còn thực hiện những cải cách thể chế quan trọng, đặc biệt là sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống luật pháp để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Quốc hội và cơ quan chấp hành của Quốc hội là Chính phủ sẽ thể chế hóa các chủ trương cải cách của Trung ương, Bộ Chính trị trong việc hoạch định tương lai đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tinh gọn bộ máy, và khơi thông nguồn lực xã hội.
. Việc sửa đổi Hiến pháp 2013 đóng vai trò ra sao trong công cuộc cải cách, phát triển kinh tế - xã hội sau khi tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính?
+ Việc sửa đổi Hiến pháp 2013 sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế, một trong ba đột phá chiến lược của Đảng. Đồng thời, để phục vụ, hiện thực hóa chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước, phân cấp, phân quyền hiệu quả hơn, đảm bảo phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi.
Trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sửa đổi Hiến pháp 2013 sẽ giúp thống nhất hệ thống luật pháp, giảm chồng chéo, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, an toàn, minh bạch nhằm thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Trung ương, của Bộ Chính trị qua các Nghị quyết gần đây như Nghị quyết 57 cũng tạo động lực để giải phóng nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn 2026-2030.
Các quyết sách được thông qua sẽ tạo động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp đóng góp lớn hơn nữa vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và hai con số các năm tiếp theo. Ảnh: QUANG HUY
. Sau Hội nghị Trung ương 11, Chính phủ và Quốc hội đều đã nỗ lực để có một nghị trình Quốc hội khá toàn diện, đổi mới và nhiều kỳ vọng.
+ Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định sự nỗ lực của Chính phủ luôn có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội. Quá trình chuẩn bị kỳ họp thứ 9 cũng cho thấy Chính phủ đã nỗ lực tối đa, Quốc hội đã hết sức lắng nghe trong bối cảnh thời gian chuẩn bị kỳ họp ngắn, khối lượng công việc lớn, yêu cầu chất lượng công việc cao. Các thách thức về tiến độ chuẩn bị cho nghị trình và chất lượng các dự luật, dự thảo Nghị quyết đã được cả hai bên vượt qua.
Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ sẽ trình Quốc hội nhiều dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, gỡ khó cho các dự án và tạo động lực tăng trưởng. Các nội dung trình Quốc hội được cân nhắc kỹ lưỡng, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.
Chính phủ cũng đã tiếp thu nghiêm túc các chỉ đạo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản đồng thuận, thống nhất cao về các nhóm vấn đề với tinh thần đồng hành, chia sẻ cao nhất để hoàn thành trọng trách lịch sử mà đất nước, Nhân dân giao phó.
Các đại biểu tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Rà soát, sửa đổi hàng trăm thông tư, nghị định để gỡ các điểm nghẽn
. Chúng ta cùng hy vọng sau kỳ họp này, đất nước sẽ bước sang một trang mới với nhiều cải cách. Theo ông, đâu là yếu tố mang tính quyết định?
+ Trước hết phải kể đến sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Sự lãnh đạo toàn diện, đổi mới, quyết liệt đã đảm bảo định hướng chiến lược, thống nhất ý chí và hành động, tạo động lực chính trị mạnh mẽ cho cải cách.
Và tất nhiên, để các chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn thì việc hoàn thiện hệ thống luật pháp là yếu tố then chốt. Bởi công tác này sẽ cụ thể hóa các định hướng của Đảng thành các quy định rõ ràng, khả thi, có thể tiên lượng, an toàn và tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trung ương đã xác định cải cách, đột phá thể chế là "đột phá của đột phá" nên tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu.
. Hôm 30-4, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết này, theo ông, có ý nghĩa như thế nào?
+ Có thể nói, Nghị quyết 66 Bộ Chính trị mới ban hành là việc cụ thể hóa hơn nữa chiến lược của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Trung ương nhằm xây dựng một hệ thống luật pháp đồng bộ, thống nhất, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết nhấn mạnh việc tháo gỡ các rào cản pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Dựa trên nền tảng này, tôi cho rằng trong kỳ họp thứ 9, Chính phủ và Quốc hội sẽ hiện thực hóa nghị quyết qua công tác lập pháp để xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng, sửa đổi các luật còn chồng chéo, xây dựng các nghị quyết thí điểm cơ chế mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ là bước đi quan trọng để tạo nền tảng pháp lý cho các cải cách tiếp theo, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Việc gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu trong cải cách cải cách thể chế hiện nay. Ảnh: TÚ UYÊN
. Về mặt thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ và Quốc hội cần có thêm nhiều quyết sách táo bạo hơn nữa, chẳng hạn có thể bãi bỏ một số luật, một số quy định trong các luật đang trình Quốc hội để giải quyết triệt để các chồng chéo, mâu thuẫn.
+ Các ý kiến này là xác đáng và Chính phủ cùng Quốc hội đã rất tích cực, nỗ lực trong công tác lập pháp.
Trong phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội không thường lệ lần thứ 9, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn" và đề cập đến định hướng phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tổng Bí thư cũng xác định quan điểm “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Hiện, Chính phủ đang trình Bộ Chính trị sớm ban hành Nghị quyết để thực hiện.
Chúng ta còn nhớ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống luật pháp để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết. Cuối năm 2021, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương rà soát và kiến nghị sửa đổi 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ cũng chủ động rà soát, sửa đổi hàng trăm nghị định; các bộ trưởng, trưởng ngành cũng rà soát, sửa đổi hàng trăm thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.
Tất nhiên, công tác này sẽ không dừng lại vì thực tiễn thì biến đổi không ngừng còn các quy định của luật pháp thì luôn đi sau thực tiễn. Vì vậy, việc rà soát toàn diện các văn bản quy phạm luật pháp là để phát hiện và xử lý các bất cập, chồng chéo, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư, đất đai và xây dựng là rất cần thiết…
Được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, hiện Chính phủ đang trình Bộ Chính trị để sớm ban hành Nghị quyết về kinh tế tư nhân.
Dấu mốc quan trọng trong kỷ nguyên phát triển mới
. Vậy còn về ý kiến cho rằng Quốc hội nên bãi bỏ một số luật trói buộc đầu tư, kinh doanh?
+ Đòi hỏi của thực tiễn là rất đa dạng và đòi hỏi từ công tác quản lý Nhà nước cũng rất cần thiết để duy trì trật tự xã hội trong mọi lĩnh vực. Dĩ nhiên, yêu cầu về bãi bỏ một số luật, một số quy định luật pháp trói buộc đầu tư – kinh doanh thì cả Chính phủ và Quốc hội đều đã có những cân nhắc.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, vậy nếu bãi bỏ được những luật, quy định đang trói buộc, cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp sẽ tạo ra “đột phá của đột phá”.
Xuất phát từ thực tiễn, các chuyên gia đã có những đề nghị bỏ nhiều luật, chẳng hạn như Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu… với những phân tích xác đáng. Điều ấy cũng có nghĩa chúng ta cần rà soát kỹ lưỡng để bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định không còn phù hợp, đặc biệt là những quy định gây cản trở môi trường đầu tư, kinh doanh.
Để thúc đẩy đất nước phát triển thì các luật cần loại bỏ điểm nghẽn, giảm thủ tục hành chính theo phương châm đã được Trung ương xác định là “bỏ tư duy không quản lý được thì cấm, luật chỉ quy định những gì thuộc thẩm quyền Quốc hội, giao Chính phủ ban hành Nghị định chi tiết để phù hợp thực tiễn từng thời kỳ”.
Như thế, Chính phủ mới có cơ sở để giảm thủ tục hành chính tối đa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào thịnh vượng quốc gia.
Trong kỳ họp thứ 9, tôi tin rằng Quốc hội có thể xem xét các đề xuất cụ thể từ Chính phủ, các đại biểu Quốc hội và các hiệp hội doanh nghiệp để đưa ra những nghị quyết hoặc sửa đổi luật, nhằm "cởi trói" cho nền kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
. Vừa là thành viên Chính phủ, vừa là đại biểu Quốc hội, ông có kỳ vọng gì ở kỳ họp này trong công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp?
+ Tôi kỳ họp thứ 9 sẽ là một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, với trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ, minh bạch, và hiện đại.
Quốc hội thông qua sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy và phân cấp, phân quyền hiệu quả. Quốc hội ban hành các luật mới và sửa đổi các luật hiện hành sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi xanh và khoa học công nghệ.
Chúng tôi cũng kỳ vọng việc Quốc hội và cử tri, Nhân dân tăng cường giám sát việc thực thi luật pháp sẽ đảm bảo các quy định của luật pháp sớm đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng phát biểu nhiều lần: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đã đồng tình, nhân dân đã ủng hộ, Tổ quốc đang chờ mong thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Tôi cho rằng với tinh thần quyết liệt đó của Thủ tướng, của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội thì Chính phủ sẽ tự tin, bản lĩnh để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
. Xin cảm ơn ông.
Cải cách thể chế để đất nước tự cường
Tại kỳ họp này, tôi cho rằng không thể không nhắc đến câu chuyện thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Hiện Tổng thống Donald Trump đã hoãn áp thuế quan đối ứng 90 ngày và quá trình đàm phán giữa Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, sự việc này phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh.
Chúng ta đã xác định tình hình thế giới luôn diễn biến khó lường, tác động sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, một nước có độ mở nền kinh tế lớn. Vì vậy, chúng ta luôn phải chủ động và có giải pháp ứng phó hiệu quả.
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế quan đối ứng ở mức 46% đối với Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm mà theo người đứng đầu Chính quyền Hoa Kỳ đã miêu tả là “hiệu quả”.
Những định hướng lớn của hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Hoa Kỳ đã đặt nền tảng cho chuyến đi của tôi, với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, đến Hoa Kỳ ngay sau đó để thảo luận về một cuộc đàm phán thuế quan và một thỏa thuận thương mại song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn chỉ đạo sát sao, các cơ quan hữu quan cũng đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu, các chủ thể liên quan cũng đã thực thi tốt các chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư, của Chính phủ và Thủ tướng.
Qua sự việc này, có thể khẳng định rằng để ứng phó kịp thời với các diễn biến khó lường trên trường quốc tế thì điều kiện tiên quyết là kinh tế phải tự cường, đất nước phải thịnh vượng, dân tộc phải không ngừng vươn lên. Bài học Đổi mới tại Đại hội VI năm 1986 của Đảng đã chứng minh khi chủ trương cải cách được thực hiện triệt để thì không những kinh tế phát triển, đất nước thịnh vượng mà tâm thế của dân tộc cũng được nâng lên. Trong sự nghiệp cải cách của Đảng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là xây dựng, hoàn thiện một hệ thống luật pháp minh bạch, an toàn, khuyến khích đổi mới, tưởng thưởng sáng tạo, tôn trọng khác biệt.
Các Nghị quyết gần đây của Đảng khi được triển khai triệt để thì hệ thống luật pháp chắc chắn sẽ là bệ đỡ cho một nền kinh tế Việt Nam tự cường, một đất nước Việt Nam thịnh vượng, một dân tộc Việt Nam hùng cường.
Phó Thủ tướng HỒ ĐỨC PHỚC
*****
Ý KIẾN
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Phải đập bỏ điểm nghẽn để doanh nghiệp lớn lên
Thể chế khiến cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa thể trở thành “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế bởi trùng điệp các thủ tục hành chính phiền hà, tốn kém. Thể chế cũng đang khiến doanh nghiệp mất đi nhiệt huyết và khát khao cống hiến cho phát triển chung của quốc gia.
Trong hệ thống luật pháp hiện nay có những đạo luật gồm rất nhiều “không”. Có thể kể đến như không rõ mục tiêu quản lý, không rõ ràng, không cụ thể, không hợp lý, không hiệu lực, không hiệu quả, không tiên lượng được…
Vì vậy, cần quyết đoán, dứt khoát đập và tháo bỏ “điểm nghẽn thể chế”, nhanh chóng chuyển đổi hệ thống luật pháp luật hiện nay từ thiên về quản lý, không quản được thì cấm, năng lực đến đâu thì mở đến đó sang hệ thống pháp luật bảo đảm tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển…
Đặc biệt phải ưu tiên đập bỏ, tháo bỏ điểm “nghẽn của nghẽn” trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và pháp luật về kinh doanh có điều kiện; kiên quyết bãi bỏ một số luật, bãi bỏ nhiều nội dung trong các luật có liên quan khác theo đúng tinh thần và nội dung các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
*****
TS MẠC QUỐC ANH, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội:
Kỳ vọng thúc đẩy giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được xem là “kỳ họp quan trọng nhất của nhiệm kỳ” vì khối lượng lập pháp – giám sát rất lớn, lại rơi đúng thời điểm doanh nghiệp cần cú hích mới cho tăng trưởng.
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều quyết sách sẽ được Quốc hội thông qua, như gia hạn giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết 2026, giảm chi phí đầu vào, kích cầu tiêu dùng trong nước. Việc sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung ưu đãi cho đầu tư xanh, R&D; làm rõ chi phí được khấu trừ và chuyển lỗ; rà soát thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuế suất SMEs)… cũng là những quyết sách được mong đợi.
Cùng với đó là các quyết sách để có dòng tín dụng ưu đãi cho hạ tầng – công nghệ số và các lĩnh vực chịu tác động của thuế quan Hoa Kỳ, định hướng tăng trưởng tín dụng 2025 ≥ 14 % với lãi suất duy trì ở mặt bằng thấp.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho môi trường – chuyển đổi số cũng rất quan trọng khi các dự luật về năng lượng, dữ liệu cá nhân, luật doanh nghiệp sửa đổi… đã và đang dự báo sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp ở khía cạnh chi phí tuân thủ.
Chúng tôi đặc biệt kỳ vọng công tác lập pháp cho quá trình tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ thúc đẩy việc cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính hiện hữu để đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm chi phí tuân thủ từ 9% xuống còn 6% cho doanh nghiệp. Đi cùng đó là kỳ vọng về việc Quốc hội ban hành quyết sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng và chính sách BHXH linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi mong muốn sau cuộc cải cách này theo định hướng của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều tiếng nói đại diện hơn nữa trong các cơ quan dân cử.
Các quyết sách cải cách của Quốc hội nếu được thông qua kèm theo một lộ trình triển khai chi tiết, một cơ chế thực thi minh bạch sẽ là động lực quan trọng giúp cho cộng đồng doanh nghiệp đóng góp lớn hơn nữa vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và hai con số các năm tiếp theo. Khi ấy, tầm nhìn “đến 2045 Việt Nam trở thành nước thu nhập cao” sẽ có nền tảng vững chắc.
CHÂN LUẬN thực hiện
Nguồn PLO : https://plo.vn/hom-nay-khai-mac-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-ky-hop-lich-su-post847932.html