Theo ba trạm đo do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường- VN Air) ghi nhận, tại trạm 556 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên chỉ số AQI 176 mức xấu; tại trạm đo ĐHBK cổng Parabol đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, chỉ số AQI 169: mức xấu; tại trạm đo Công viên Nhân Chính - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân: chỉ số AQI 152 mức kém.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Còn theo trang IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), chỉ số ô nhiễm không khí ghi nhận tại khu vực quận Tây Hồ là 244 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Bắc Từ Liêm là 294 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Nam Từ Liêm là 204 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Long Biên là 205 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Hoàn Kiếm là 202 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Hai Bà Trưng là 192 AQI- màu đỏ, mức xấu; quận Ba Đình 202 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Đống Đa là 196 AQI- màu đỏ, mứu xấu; Thanh Xuân là 149 AQI- màu cam, mức kém; quận Hà Đông là 204 AQI màu tím, mức rất xấu; huyện Hoài Đức là 237- màu tím, mức rất xấu; Thanh Trì là 177 AQI màu đỏ, mức xấu; huyện Gia Lâm là 222 AQI- màu tím, mức rất xấu; khu vực huyện Quốc Oai là 206 AQI, màu tím, mức rất xấu ...
AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.
Việc cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí…
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Bích Ngọc