Đây là lần đầu tiên Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam sau 52 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, trước đây, Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde đều đã tới Việt Nam trên những cương vị khác.
Nhà vua Bỉ từng đến thăm Việt Nam năm 1993, 2003 và 2012 với tư cách là Thái tử Philippe. Hoàng hậu Bỉ đã từng đến thăm Việt Nam năm 2012 với tư cách Công nương Bỉ cùng với Thái tử Philippe và năm 2023 với tư cách Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, chuyến thăm của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde là dấu mốc lịch sử quan trọng sau hơn 50 năm Việt Nam – Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện cũng cho thấy sự coi trọng của Bỉ dành cho Việt Nam, trong bối cảnh Nhà vua Bỉ rất ít khi thực hiện các chuyến công du đến các nước bên ngoài khu vực châu Âu trong năm nay.
Tháp tùng Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde trong chuyến thăm Việt Nam có nhiều thành viên quan trọng trong Chính phủ Bỉ, gần 20 lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Bỉ và 34 CEO các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Bỉ và EU trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, cảng biển, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, thực phẩm...
Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde. (Ảnh: Belga News Agency)
Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van den Bossche cho biết, thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Bỉ đã có bước phát triển quan trọng, chuyển từ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác bình đẳng, cùng nhau chia sẻ lợi ích, chung tay ứng phó với những thách thức chung toàn cầu. Dự kiến, một số dự án quan trọng giữa hai bên sẽ được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ.
Hiện tại, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 4,45 tỷ USD, với các mặt hàng chủ yếu như dược phẩm, hóa chất, máy móc thiết bị và sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, cảng Antwerp – Zeebrugge của Bỉ là cảng lớn nhất châu Âu, đã góp phần gia tăng xuất nhập khẩu của Việt Nam đến khu vực thông qua kết nối và giao thương.
Về đầu tư, tính đến cuối năm 2024, Bỉ có 100 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD và các dự án nằm trên 16 tỉnh, thành phố. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Bỉ với tổng vốn đầu tư 12,6 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về nông nghiệp, Việt Nam và Bỉ đã trở thành đối tác chiến lược từ năm 2018. Hai nước đang triển khai nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, phát triển ngành ca cao, công nghệ khử mặn, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, xuất khẩu nông sản, an toàn thực phẩm, thúc đẩy chuỗi logistics lạnh thông minh…
Lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục – đào tạo, quốc phòng - an ninh, văn hóa, đổi mới sáng tạo giữa hai nước cũng có nhiều điểm sáng. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ có quan hệ gắn kết với các vùng của Bỉ như Wallonie - Bruxelles, Flanders, Liege, Namur…
Theo Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Nguyễn Văn Thảo, trong tương lai, quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác quan trọng. Đối với Việt Nam, Bỉ đóng vai trò là cửa ngõ vào thị trường EU. Ở chiều ngược lại, Bỉ không chỉ mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn hướng đến thị trường ASEAN. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt trong việc thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Nhà vua Bỉ sẽ dự lễ đón chính thức và hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường, gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như có một số hoạt động quan trọng tại Hà Nội và TP.HCM.
PV/VOV.VN