Bán cắt lỗ để tháo chạy
Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Ngọc Văn (Hà Nội) liên tục đăng bài rao bán khu homestay rộng hơn 1 ha tại Sóc Sơn trên nhiều kênh thông tin. Khu đất của anh Văn có hơn 400m2 đất thổ cư, từng được anh mua với giá gần 8 tỷ đồng.
Cuối năm 2022, gia đình anh đầu tư thêm gần 5 tỷ đồng để xây dựng khu homestay với hơn 3 căn villa và 1 căn nhà cộng đồng khang trang, tiện nghi với hy vọng có thể phát triển mô hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, vừa sử dụng được quỹ đất rộng vừa có thêm công việc và thu nhập cho cả gia đình.
Tuy nhiên, việc kinh doanh homestay không đơn giản, khi vận hành, gia đình anh mới biết phát sinh quá nhiều vấn đề và chi phí, đặc biệt việc tìm nguồn khách thuê rất khó khăn.
Theo anh Văn, 1 năm khu homestay của anh chỉ đông khách vào khoảng 3 tháng mùa hè, còn lại đều rất thưa thớt, nhiều dịp cuối tuần chỉ cho thuê được 1, 2 phòng villa, thậm chí không có khách.
Thu nhập không có trong khi phải vay vốn nhiều để đầu tư, cõng nặng lãi suất, vợ chồng anh Văn đành bán khu homestay để vớt vát lại vốn. Tuy nhiên giá rao bán dù đã giảm nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có khách mua. Số người hỏi cũng không nhiều, do giá trị khu đất không nhỏ, kèm với việc kinh doanh homestay giai đoạn này không còn “phất” như trước.
"Nếu như nhiều năm trước, homestay nở rộ như một trào lưu mới của giới kinh doanh bất động sản thì nay mô hình này đã bị bão hòa, thậm chí thua lỗ", anh Văn ngậm ngùi nói.
Homestay ế khách, nhiều nhà đầu tư tháo chạy. (Ảnh minh họa: Facebook).
Chị Nguyễn Hồng Nhung, một nhà đầu tư homestay nhiều năm nay cho biết, thị trường homestay "vỡ trận" một phần do nguyên nhân nhiều người ồ ạt đầu tư theo trào lưu trước đó mà không lường trước được cú chạm đáy của bất động sản từ giữa 2022 đến nay.
"Phần lớn những người bạn tôi quen sau này trong giới kinh doanh homestay đều là tay ngang, chạy theo trào lưu khi thị trường tăng nóng ba năm trước. Tuy nhiên, khi phát triển ồ ạt, nguồn cung tăng bất ngờ sẽ dẫn đến dư thừa, khiến nhiều homestay rơi vào tình trạng vắng khách, kinh doanh thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư homestay hiện nay, một số đang tìm cách hoạt động cầm chừng, còn phần lớn chủ yếu là tìm cách để bán tháo", chị Nhung cho hay.
Theo anh Nguyễn Tuấn - một môi giới bất động sản tại Hà Nội - hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư đang phải giảm giá bán lại các khu homestay do kinh doanh không thuận lợi.
Đơn cử, một homestay ở Ba Vì đã hoạt động được 4 năm. Trong mùa cao điểm, doanh thu trung bình đạt khoảng 50 triệu đồng/tháng, nhưng vào mùa đông, doanh số giảm còn 15 - 20 triệu đồng/tháng. Ban đầu, chủ sở hữu rao bán với giá 12 tỷ đồng nhưng do cần tiền gấp nên đã giảm 1 tỷ đồng để dễ tìm người mua hơn.
Thậm chí, tại khu vực xã Yên Bài (huyện Ba Vì) có 1 lô đất diện tích 5.000 m2 được rao bán với giá 38 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 1 năm rao bán vẫn không tìm được khách nên chính chủ đã mạnh tay giảm 10 tỷ đồng, cắt lỗ xuống còn 28 tỷ đồng.
Hay một khu homestay tại Lương Sơn (Hòa Bình), quy mô 6.000 m2, trong đó có 400 m2 đất thổ cư cũng được rao bán với giá hơn 15 tỷ đồng. Một môi giới bất động sản cho biết, con số này chỉ bằng 70% so với giá trị đầu tư ban đầu của chủ kinh doanh homestay.
Cũng theo anh Tuấn, các homestay có quy mô nhỏ giá khoảng quanh 3 tỷ đồng có tính thanh khoản cao hơn, dễ chốt khách. Tuy nhiên, một số homestay có quy mô lên tới trên chục tỷ đồng rất ít khách mua quan tâm.
Bên cạnh đó, đa phần những chủ nhà đang cần bán gấp, chấp nhận giảm giá sâu do áp lực tài chính. Đồng thời, một số homestay nằm ở vị trí xa, heo hút nên ít khách thuê dẫn tới không có nguồn thu. Theo đó, họ đều mong bán càng nhanh càng tốt, mức giá giảm sâu 30-40% so với số tiền đầu tư.
Đã được dự đoán trước
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, trước đại dịch COVID-19 vẫn là thời điểm vàng để đầu tư vào loại hình homestay nhưng đến hậu COVID-19, khi chi phí vận hành tăng và nhu cầu đi nghỉ dưỡng của khách giảm dần, nhiều nhà đầu tư buộc phải rút lui, dẫn đến áp lực giảm giá.
Nhiều bài rao bán homestay được đăng trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình).
Thời điểm đầu năm 2023 thị trường trang trại nghỉ dưỡng lao dốc mạnh, thanh khoản ít, tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều nhà đầu tư đành rao bán để thu hồi dòng tiền nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được người mua, dù đã chấp nhận giảm giá sâu.
Thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, mô hình kinh doanh homestay dự báo sẽ được sàng lọc mạnh, để tối ưu hóa lợi ích khi đầu tư vào phân khúc này, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về vị trí, hạ tầng, và khả năng khai thác thực tế của bất động sản. Đồng thời, việc nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và xây dựng kế hoạch tài chính bền vững cũng là yếu tố không thể bỏ qua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng, bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có nhu cầu, nhưng việc đầu tư tràn lan, thiếu tính toán đã gây ra "vỡ trận", nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường. Tình trạng này đã được dự báo từ ba, bốn năm trước khi làn sóng nhà đầu tư đổ đi rót tiền vào khu vực vùng ven, đẩy thị trường "nóng sốt".
Theo ông Đính, đầu tư nghỉ dưỡng cần tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi kiến thức về quản lý dòng tiền, hiệu suất đầu tư, vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Thực tế, không ít người có tâm lý "chỉ mua mảnh đất rồi xây căn nhà cho thuê là xong", bỏ qua việc nghiên cứu kỹ thị trường.
"Điều này dẫn đến tình trạng ở nhiều khu vực vùng ven, hơn một nửa thôn, xã làm homestay, khu nghỉ dưỡng, trong khi lượng khách du lịch nhỏ giọt. Kinh doanh thua lỗ, nhiều chủ đầu tư buộc phải giảm giá bán để thoát hàng", ông Đính nói.
Châu Anh