Hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên được quán triệt, triển khai thực hiện hai nghị quyết trong 'bộ tứ chiến lược'

Hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên được quán triệt, triển khai thực hiện hai nghị quyết trong 'bộ tứ chiến lược'
2 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự tại điểm cầu Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Nhật Nam
Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) đến hơn 37 nghìn điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… trên cả nước với hơn 1,5 triệu đại biểu cán bộ, đảng viên tham dự.
Đây là lần thứ hai một hội nghị quán triệt nghị quyết toàn quốc được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đồng thời được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1, VOV giao thông Đài Tiếng nói Việt Nam để nhân dân cả nước theo dõi.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Viết Thành
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: Lê Hồng Anh, Trần Quốc Vượng.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các cấp, cùng đông đảo cán bộ, đảng viên trên cả nước; cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, sinh viên một số trường đại học.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; cán bộ chủ chốt các cấp thành phố...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Viết Thành
Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Trước khi bắt đầu hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu Trung ương đã tham quan triển lãm “Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật” và “Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân” tại Tòa nhà Quốc hội.
Cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 59-NQ/TƯ ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, hai nghị quyết được quán triệt, triển khai tại hội nghị lần này hợp thành “bộ tứ chiến lược” nhằm đưa đất nước phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tạo đột phá chiến lược để kinh tế tư nhân trở thành trụ cột kinh tế quốc gia
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và kế hoạch hành động để triển khai các nghị quyết quan trọng này, qua đó thúc đẩy khu vực KTTN phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Tóm lược những thành tựu của khu vực KTTN sau gần 40 năm đổi mới, Thủ tướng cho biết, khu vực KTTN đã không ngừng lớn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Từ chỗ bị xem là thành phần kinh tế không chính thức, KTTN nay đã được công nhận là “một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế” - như khẳng định tại các kỳ Đại hội Đảng gần đây nhất.
Theo Thủ tướng, hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó, 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho hơn 43 triệu lao động, đóng góp khoảng 50% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Khu vực KTTN cũng chiếm tỷ trọng đầu tư xã hội cao nhất, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, năng suất thấp, khó tiếp cận các nguồn lực, như đất đai, tín dụng, công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn thấp, kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế.
Nhận thức rõ vai trò trung tâm của KTTN và yêu cầu đổi mới tư duy, thể chế để phát triển kinh tế đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TƯ với những nội dung đột phá, tiếp nối bằng Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội và các kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Viết Thành
Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ có thể coi là một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế”, đặt KTTN là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo lớn và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm khơi thông mọi điểm nghẽn, tạo động lực phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc đổi mới tư duy và nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN; cải cách thể chế và pháp luật để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; tạo điều kiện tiếp cận đất đai, vốn, công nghệ và nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn có tầm vóc khu vực, quốc tế.
Thủ tướng cho biết, tiếp nối tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 với một loạt cơ chế, chính sách đặc biệt dành cho khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết này quy định rõ nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo hướng hậu kiểm, bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các dự án xanh; ưu tiên đấu thầu cho DNNVV; hỗ trợ nghiên cứu - phát triển; cung cấp nền tảng số miễn phí và phát triển 1.000 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo.
Điểm đột phá là doanh nghiệp tư nhân được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển công nghệ, được khấu trừ 200% chi phí đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo khi tính thuế. Đây là cơ chế chưa từng có tiền lệ, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ không dừng ở chủ trương, mà sẽ hành động quyết liệt với tinh thần “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả.
Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/QH15 bao gồm 117 nhiệm vụ cụ thể được phân công cho từng bộ, ngành, địa phương.
Các nhóm giải pháp chính gồm: Cải cách thể chế triệt để; tạo thuận lợi tiếp cận đất đai, tín dụng và nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh; thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm quốc gia và phát huy đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh.
Các đại biểu nghe quán triệt các nội dung cốt lõi tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và Nghị quyết số 198/2025/QH15. Ảnh: Viết Thành
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Phát triển KTTN nhanh, bền vững là yêu cầu tất yếu khách quan; là con đường hiệu quả nhất để khơi dậy sức dân, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển”. Với quyết tâm chính trị cao, hệ thống chính sách đồng bộ và hành động quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, khu vực KTTN Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trụ cột vững chắc cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập và phát triển bền vững.
Thủ tướng cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và Nghị quyết số 198/2025/QH15 đó là: “Đã hứa thì phải làm; đã cam kết thì phải thực hiện”, thể hiện mạnh mẽ quan điểm hỗ trợ khu vực tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế quốc gia.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc phần quán triệt các nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và Nghị quyết số 198/2025/QH15, đại diện các doanh nghiệp tư nhân đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những quy định đột phá, giúp khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ đất đai, thành lập cơ quan giám sát độc lập việc thi hành các nghị quyết mới ban hành của Chính phủ và thiết lập một hệ thống công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi việc thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp giải đáp toàn bộ các ý kiến doanh nghiệp nêu tại hội nghị; đồng thời khẳng định, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã nêu rất rõ những chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân. Tới đây, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng các nghị định để hướng dẫn thi hành nghị quyết, tạo mọi điều kiện để khu vực tư nhân phát triển.
Đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động
Tiếp theo, hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TƯ”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay sau khi Nghị quyết số 66 được Bộ Chính trị ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội làm Phó Trưởng ban; các thành viên khác là Trưởng một số ban Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng một số bộ, ngành, cơ quan, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết.
“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của nước ta”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, Nghị quyết ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, khi mà thể chế, pháp luật phải trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, để thể chế hóa các quyết sách của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. “Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có thể nói là chưa có tiền lệ, không chỉ là khoản chi 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật mà cả cơ chế khoán chi, mức chi, chế độ, chính sách đặc biệt khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, công chức”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.
Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Truyền đạt những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, trước hết là 5 quan điểm chỉ đạo, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật; đồng thời, xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước; xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và xác định đầu tư cho công tác này là đầu tư cho phát triển.
Toàn cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Viết Thành
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cụ thể cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, hướng đến việc xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng ta đã đề ra là năm 2030 và năm 2045.
Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, một điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó, Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển. Các quy định pháp luật cần ổn định, đơn giản, dễ hiểu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác xây dựng pháp luật được yêu cầu phải rất chủ động trong nghiên cứu chiến lược và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhằm tăng tính dự báo, nâng cao chất lượng chính sách.
Nghị quyết số 66-NQ/TƯ đặt ra yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải đột phá. Pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, luôn gắn chặt với quá trình xây dựng pháp luật. Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”. Thi hành pháp luật ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời, chú trọng các lĩnh vực thiết yếu như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh mạng.
Tham dự hội nghị, thành phố Hà Nội có 1.210 điểm cầu với hơn 75.000 cán bộ, đảng viên. Trong ảnh: Điểm cầu Thị ủy Sơn Tây. Ảnh: Thị ủy Sơn Tây
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 đối với Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết này, đồng thời, xây dựng và ban hành các luật và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật trong các lĩnh vực cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận, việc thực hiện Nghị quyết số 66 đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới trong tư duy và hành động của mỗi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Mệnh lệnh từ tương lai dân tộc
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, chúng ta đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc chưa từng có trên phạm vi toàn cầu về địa chính trị, kinh tế, về cạnh tranh chiến lược, về sự dịch chuyển mạnh mẽ của các trung tâm kinh tế, bùng nổ khoa học, công nghệ, cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
“Những chuyển động này vừa tạo thách thức, vừa tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia. Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh “trâu chậm uống nước đục”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Theo đồng chí Tô Lâm, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại: Kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố.
Tuy nhiên, phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, vì vậy không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra. Những đổi mới, cải cách đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá. Trong đó, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị: Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (đã được quán triệt học tập). Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ quát triệt Nghị quyết số 68: Phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN; Chủ tịch Quốc hội quán triệt Nghị quyết số 66: Đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
“Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh”, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, đồng thời, kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.
Điểm lại những mặt tích cực và hạn chế sau 40 năm đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhìn về tương lai, muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ, mà phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.
Đồng chí Tô Lâm cho rằng, 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây sẽ là những trụ cột về thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược
Tổng Bí thư điểm lại những tinh thần cốt lõi nhất của các nghị quyết và mối quan hệ tác động lẫn nhau, đồng thời chỉ rõ, muốn đạt hiệu quả cao nhất thì chúng ta phải triển khai tốt đồng thời các nghị quyết.
Theo đồng chí Tô Lâm, 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù, mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.
Cả 4 nghị quyết đều thống nhất mục tiêu: Xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nghị quyết số 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
Nghị quyết số 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới.
Nghị quyết số 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực.
Nghị quyết số 68 thúc đẩy khu vực KTTN trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết số 66), thì KTTN khó phát triển (Nghị quyết số 68), khoa học, công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết số 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết số 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, KTTN sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện.
“Điểm đột phá chung của 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: Từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư khẳng định, về tổ chức thực hiện, tất cả các nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức. Các trục triển khai như thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Thắp lên ngọn lửa đổi mới - khát vọng - hành động
Lưu ý cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới (2025-2030) và những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương là một khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
Kể từ Hội nghị Trung ương X khóa XIII (tháng 9-2024) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới cho đất nước. Triển khai quyết liệt nội dung Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”; xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại đơn vị hành chính để “cất cánh”... những công việc nêu trên không chỉ được cán bộ, đảng viên nghiêm túc triển khai mà điều quan trọng hơn là hầu hết nhân dân trong cả nước theo dõi, đồng tình, ủng hộ, coi đây thực sự là cuộc cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vì “biết đồng sức, biết đồng lòng/ việc gì khó, làm cũng xong”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Đồng chí Tô Lâm đề nghị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những Nghị quyết mới theo phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ từng dạy.
Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước. Với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
“Trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực.
Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa đổi mới - khát vọng - hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống
Phát biểu kết thúc hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hội nghị đã thành công tốt đẹp.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, những ý kiến chỉ đạo sâu sắc toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, 4 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ và Nghị quyết số 59-NQ/TƯ là “bộ tứ chiến lược trụ cột” để đưa đất nước ta “cất cánh”.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được Bộ Chính trị phân công quán triệt các chuyên đề giúp các đại biểu, cán bộ và nhân dân nắm bắt một cách hệ thống toàn diện nội dung các nghị quyết quan trọng, qua đó góp phần đưa các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định, hội nghị hôm nay đã minh chứng cho việc tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ từ đường lối, phương thức hành động đến tổ chức thực hiện và quán triệt, học tập nghị quyết.
Các đại biểu nghe quán triệt các nội dung cốt lõi tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và Nghị quyết số 198/2025/QH15. Ảnh: Viết Thành
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hiện nay, các bộ tài liệu từ phát biểu chỉ đạo; các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chốt của Đảng; các văn kiện nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội đều có thể dễ dàng tiếp cận thông qua các ứng dụng khoa học, công nghệ.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 3 nội dung.
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức linh hoạt và phong phú về nội dung các nghị quyết thông qua các loại hình truyền thông, trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí để quán triệt tuyên truyền kết quả hội nghị. Đặc biệt là nêu rõ tinh thần quyết liệt, phương thức lãnh đạo, phương thức học tập và triển khai kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết theo tinh thần đổi mới mà các nghị quyết đã nêu ra cũng như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quận ủy Hoàn Kiếm. Ảnh: Thu Trang
Thứ hai, cần xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện nghị quyết mang tính hành động của từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm đề cao vai trò trách nhiệm quyết tâm chính trị mạnh mẽ quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, trước hết là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết.
Thứ ba, cần bám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết để lan tỏa mạnh mẽ những cách làm hiệu quả, sáng tạo của các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện; đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, góp phần đưa các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống với những kết quả rõ ràng, thực chất và hiệu quả; góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Hà Vũ - Hương Ly
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/hon-1-5-trieu-can-bo-dang-vien-duoc-quan-triet-trien-khai-thuc-hien-hai-nghi-quyet-trong-bo-tu-chien-luoc-702639.html