Dự án thủy điện Đăk Đrinh đi vào vận hành phát điện thương mại hơn 10 năm
Dù nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành, phát điện thương mại hơn 10 năm qua nhưng đến nay 21 hộ dân có đất bị ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh vẫn chưa nhận được tiền đền bù và hỗ trợ. Suốt nhiều năm qua, người dân liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Dự án thủy điện Đăk Đrinh do Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh làm chủ đầu tư, được xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (Kon Tum). Dự án có công suất 125MW, tổng mức đầu tư hơn 5.900 tỉ đồng, sản lượng điện trung bình hằng năm là 540,925 triệu KWh.
Dự án được khởi công vào năm 2008, đến năm 2013 thì hoàn thành và đưa vào vận hành. Để thực hiện dự án, Hội đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã tiến hành chi trả tiền đền bù đất đai, tài sản cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, hiện còn 21 hộ với 45 thửa đất, tổng diện tích khoảng 9,5 ha nằm trong lòng hồ thủy điện chưa được đền bù, hỗ trợ.
Ông Phan Thanh Phong, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây là một trong số các hộ dân có đất sản xuất nằm dưới lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh nhưng chưa được nhận tiền đền bù. Theo ông Phong, dù đã nhiều lần gửi đơn, thư đến các cơ quan chức năng cũng như kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù.
“Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù, khiến họ vô cùng bức xúc. Nhiều hộ mất đất không còn tư liệu để canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Mỗi lần chính quyền huyện, xã tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này nhưng họ vẫn hứa. Thế nhưng đến nay lời hứa ấy vẫn chưa được thực hiện” ông Phong nói.
Đối với gia đình ông Phạm Ngọc Minh, xã Sơn Dung, từ ngày hơn 1 ha đất sản xuất bị ngập trong lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đất canh tác.
“Điều người dân lo lắng nhất hiện nay là sắp tới sẽ không tổ chức cấp huyện, trong khi vấn đề bồi thường đất của chúng tôi chưa xử lý xong. Do vậy, chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng sớm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống”, ông Minh đề nghị.
Nhiều hộ dân ở xã Sơn Dung với 45 thửa đất nằm trong lòng hồ thủy điện chưa được đền bù
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến, đối với 45 thửa đất nằm trong lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh trước đây, địa phương đã lập phương án đền bù tài sản trên đất. Tuy nhiên, khi lập phương án đền bù đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thì phát hiện tình trạng mua bán thông qua bên thứ ba nhằm trục lợi từ dự án nên địa phương đã tạm dừng lập phương án đền bù. Sau đó, cơ quan chức năng đã khởi tố các đối tượng liên quan đền bù dự án thủy điện này và vụ án kéo dài đến năm 2021 mới khép lại.
UBND huyện sẽ thực hiện lập phương án chi trả đền bù cho chủ những thửa đất đã xác minh đầy đủ thông tin. Đối với những thửa đất chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Mục tiêu của UBND huyện Sơn Tây là hoàn thành công tác đền bù cho các hộ dân này trong năm 2025.
(Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây PHẠM HỒNG KHUYẾN)
Cũng theo ông Khuyến, thời gian gần đây, UBND huyện Sơn Tây đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với UBND xã Sơn Dung rà soát, xác định chủ sở hữu hợp pháp của các thửa đất để lập phương án bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn do sự thay đổi nhân sự địa chính xã cũng như thực tế hiện nay các thửa đất đều bị ngập nước. Do đó, việc xác minh gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc mua bán, chuyển nhượng đất của các hộ dân chưa đảm bảo tính pháp lý khiến quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả gặp nhiều trở ngại.
“UBND huyện sẽ thực hiện lập phương án chi trả đền bù cho chủ những thửa đất đã xác minh đầy đủ thông tin. Đối với những thửa đất chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Mục tiêu của UBND huyện Sơn Tây là hoàn thành công tác đền bù cho các hộ dân này trong năm 2025”, ông Khuyến cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi Võ Văn Rân cho rằng, qua xác minh các thửa đất đang bị ngập nước dưới lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh cho thấy có nhiều thửa đất trong số 45 thửa chưa thực hiện đền bù đã được mua bán sau khi có chủ trương đầu tư dự án thủy điện và chỉ sử dụng giấy viết tay.
“Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh đã bố trí sẵn nguồn kinh phí để chi trả cho các hộ dân khi phương án bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt. Do vậy, Sở Công thương sẽ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Sơn Tây để xây dựng phương án bồi thường và tham mưu UBND tỉnh sớm phê duyệt nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Võ Văn Rân thông tin.
NHƯ ĐỒNG