Chiều 23/12, có mặt tại xóm Cao Sơn 3 (xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên), phóng viên được một số hộ dân nằm trong vùng dự án khai thác lộ thiên mỏ than Khánh Hòa - Hạng mục: Mở rộng Bắc khai trường, bị thu hồi đất ở nhưng chưa thực hiện tái định cư chia sẻ về những khó khăn trong sinh hoạt cũng như tìm kiếm sinh kế.
Chưa được có đất để tái định cư, gia đình bà Lê Thị Dung vẫn phải ở lại trong ngôi nhà gần bãi thải đất đá. Ảnh: Hân Nguyễn.
Trong ngồi nhà nằm gần bãi thải đất đá phía Tây của mỏ than, bà Lê Thị Dung cho biết, nhiều lần bà kiến nghị lên xã, đại biểu HĐND thành phố về việc bố trí tái định cư cho gia đình bà và các hộ thuộc diện thu hồi đất ở. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, gia đình bà cũng như hơn 100 hộ dân khác chưa được cấp đất tái định cư.
"Chờ gần 6 năm, không biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND, tình trạng vẫn như thế này, thử hỏi, bao giờ chúng tôi mới có đất làm nhà? Dân có kêu thế nào, chính quyền cũng cứ im lặng. Hiện nay con cái tôi phải đi ở trọ", bà Dung nói.
"Khi dự án triển khai, chúng tôi tin tưởng ký để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho con em làm việc trong mỏ nhưng sau 6 năm, chúng tôi vẫn chưa có đất làm nhà, giá cả leo thang, chênh lệch như thế này ai chịu trách nhiệm trả", bà Dung phân trần.
Sống trong ngôi nhà nằm sát bãi thải đất đá cao chót vót, bà Dung lo sợ mưa lũ có thể gây sạt lở nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó còn là bụi bẩn, tiếng ồn từ nổ mìn.
Ông Nguyễn Xuân Hàm (xóm Cao Sơn 3, xã Sơn Cẩm) chỉ về phần diện tích đất bị thu hồi của gia đình ông. Ảnh: Hân Nguyễn.
Cùng chung hoàn cảnh chờ đất tái định cư, ông Nguyễn Xuân Hàm (xóm Cao Sơn 3) cho biết, gia đình ông bị thu hồi 982m2 đất, trong đó 333m2 đất thổ cư. gia đình được đền bù tài sản trên đất và chỉ chờ đất tái định cư. Ban đầu, dự kiến đất bố trí tái định cư nằm ở xã Phúc Hà, tuy nhiên, gia đình ông Hàm và nhiều hộ dân không đồng ý và đăng ký tại một phường khác gần nơi ở cũ.
"Tôi đã phản ánh đến các cấp, tham gia, phát biểu ý kiến nhiều nơi nhưng đáp lại, cán bộ chỉ ghi nhận ý kiến, báo cáo cấp trên. Đến nay, người dân chúng tôi vẫn không nhận được phản hồi nào", ông Hàm cho hay.
Xen lẫn những ngôi nhà của các hộ đang bám trụ là những ngôi nhà đã phá dỡ. Ảnh: Hân Nguyễn.
Nói về cuộc sống hiện tại, ông Hàm cho biết, môi trường sống rất khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng nổ mìn, xe tải hạng nặng qua lại ngày đêm.
Trước phản ánh của người dân xóm Cao Sơn 3, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sỹ Bình - Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho biết, trong số các hộ bị ảnh hưởng, thu hồi của dự án mỏ than, hiện còn 106 hộ chưa thực hiện cắm tái định cư.
Theo ông Bình, nguyên nhân do liên quan luật đầu tư. Trước kia, công ty than Khánh hòa có thể tự tổ chức làm tái định cư nhưng hiện nay luật quy định, việc bố trí tái định cư thuộc địa phương nào địa phương đó phải lo.
Còn theo ông Nguyễn Linh - Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch, bố trí, sắp xếp đất. Dự kiến trong năm 2025, thành phố sẽ cắm tái định cư cho các hộ dân.
Con suối ngăn cách khu vực còn các hộ dân sinh sống với khu bãi thải mỏ than. Ảnh: Hân Nguyễn.
Công ty than Khánh Hòa thực hiện dự án khai thác lộ thiên mỏ than Khánh Hòa - Hạng mục: Mở rộng Bắc khai trường phục vụ sản xuất từ tháng 10/2018. Các hộ dân nằm trong vùng dự án bị thu hồi đất ở và phải cắm tái định cư là 126 hộ. Dự án đã thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cắm tái định cư cho 20 hộ, còn lại 106 hộ.
Hân Nguyễn