Hơn 114.000 tỉ đồng được đầu tư vào các tuyến giao thông nào ở ĐBSCL?

Hơn 114.000 tỉ đồng được đầu tư vào các tuyến giao thông nào ở ĐBSCL?
14 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL năm 2024 của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2021-2025, ĐBSCL đã được bố trí hơn 114,2 nghìn tỉ đồng để tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, liên vùng giữa các địa phương trong vùng. Đó là:
- Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng; đi qua TP.HCM khoảng 46km, qua tỉnh Bình Dương hơn 10km, qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11km và qua tỉnh Long An hơn 6,8km. Theo dự kiến, dự án sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An. Ảnh: HUỲNH DU
Dự án được chia thành 8 dự án thành phần, đầu tư theo hình thức đầu tư công. Trong đó, có 2 dự án thành phần thuộc ĐBSCL, nằm trên địa bàn tỉnh Long An (dự án thành phần 7 và 8).
Tính đến cuối năm 2024, dự án thành phần 7 đã thu hồi, bàn giao cơ bản hơn 98,5% mặt bằng cho các đơn vị thi công. Còn đối với dự án thành phần 8, hiện các đơn vị thi công đang tích cực thi công trên toàn tuyến, cơ bản vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra.
- Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (cao tốc trục ngang ĐBSCL), có tổng chiều dài hơn 188km đi qua 4 địa phương gồm: TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng; tổng mức đầu tư gần 44,7 ngàn tỉ đồng.
Dự án trục ngang ĐBSCL được chia làm 4 dự án thành phần, do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài hơn 57km, dự án thành phần 2 tại TP Cần Thơ dài hơn 37km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài gần 57km.
Dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, có chiều dài gần 37km. Ảnh: CHÂU ANH
Về tình hình triển khai dự án, tính đến cuối năm 2024, dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh An Giang đã hoàn thành công tác kiểm kê và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dự án thành phần 2 qua địa bàn TP Cần Thơ đã bàn giao mặt bằng thi công xây lắp đạt khoảng 93%. Dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đã bàn giao 100% mặt bằng. Dự án thành phần 4 qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 99%.
Các đơn vị thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công trên toàn tuyến. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của dự án là nguồn vật liệu.
Cụ thể, nguồn cát đắp, mỏ đá, đất đắp khan hiếm, nguồn cung cấp không ổn định ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chi phí xây dựng. Cạnh đó, trình tự, thủ tục khai thác mỏ cát phải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan nên nguy cơ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án.
- Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 7.496 tỉ đồng; đi qua tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, được chia thành 2 dự án thành phần.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Tính đến cuối năm 2024, dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng; các đơn vị thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Còn dự án thành phần 2, do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản, đã chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư 100% trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và hơn 97% trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
- Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), có tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng, đi qua TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Dự án được phân thành 2 dự án thành phần, gồm: đoạn Cần Thơ - Hậu Giang với chiều dài hơn 37,6km và đoạn Hậu Giang - Cà Mau với chiều dài hơn 73,2 km. Tính đến cuối năm 2024, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, sản lượng thi công toàn dự án đạt 56%, chậm 4% so với kế hoạch đề ra.
Điểm giao giữa cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH
Theo đánh giá , việc ứng dụng khoa học công nghệ và giải pháp thi công mới để hỗ trợ hiệu quả công tác gia tải xử lý lún cho dự án chưa được quan tâm chú trọng, mới chỉ chú trọng giải pháp xử lý lún tự nhiên. Cạnh đó, công tác quản lý dự án, quản lý giá và cung ứng vật liệu san lấp còn lúng túng.
Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-CP về huy động vay ODA cho các dự án vùng ĐBSCL, các Bộ và địa phương đang tích cực hoàn thiện thủ tục cho 16 dự án MeKong DPO.
Các dự án này của Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT và 13 địa phương vùng ĐBSCL, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 86.338 tỉ đồng. Trong đó, vốn đối ứng là 26.268 tỉ đồng; vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 2,553 tỉ USD, tương đương 60.070 tỉ đồng.
CHÂU ANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/hon-114000-ti-dong-duoc-dau-tu-vao-cac-tuyen-giao-thong-nao-o-dbscl-post829324.html