Ngày 3/4, đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07, Công an TPHCM) cho biết, thời gian qua, các đơn vị công an từ cấp thành phố đến cơ sở liên tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thực hiện khắc phục.
Động thái này nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Cảnh sát gõ cửa từng phòng trọ trên địa bàn TPHCM để phổ biến, tuyên truyền về công tác PCCC. Ảnh: TK
Theo PC07, thời điểm Chỉ thị 19 có hiệu lực, TPHCM có 64.383 cơ sở (trong đó 59.920 nhà trọ, nhà nhiều căn hộ, nhà ngăn phòng cho thuê, 4.463 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh) có nguy cơ cháy nổ cao.
Qua kết quả rà soát, Công an TPHCM ghi nhận có 16.897 cơ sở tồn tại các bất cập về PCCC và đã tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp khắc phục tồn tại nhằm đảm bảo an toàn PCCC.
Tính đến nay, thành phố có 15.851/16.897 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các bất cập về PCCC. Tại 8/22 địa phương, các cơ sở đã khắc phục hoàn toàn vi phạm; 14/22 địa phương còn các cơ sở tồn tại vi phạm.
Hiện tại, thành phố còn 1.046 cơ sở nhà trọ, nhiều căn hộ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao còn tồn tại vi phạm về PCCC.
PC07 chỉ ra các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Chưa tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai; chưa thực hiện giải pháp ngăn cháy lan giữa khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực để ở và đường thoát nạn; chưa trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy; chưa trang bị đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn, mặt nạ phòng độc...
Hơn 1.000 cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC
Theo PC07, với 1.046 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao còn tồn tại vi phạm về PCCC, đơn vị thống kê có 9.570 phòng trọ với 15.549 người thuê trọ bị ảnh hưởng.
PC07 nhìn nhận, nếu dừng hoạt động các nhà trọ trên thì người thuê trọ bị tác động sâu rộng đến cuộc sống mưu sinh do họ chủ yếu là dân lao động nhập cư, người có thu nhập thấp và sinh viên...
Tuy nhiên, nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 19, Công an TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp UBND cấp huyện, xã sẽ tổ chức rà soát kiểm tra, hướng dẫn chủ cơ sở nhà trọ, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC đến khi khắc phục xong tiếp tục hoạt động.
“Chủ cơ sở báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn tiến hành kiểm tra đánh giá các điều kiện an toàn về PCCC, nếu cơ sở đã khắc phục tồn tại vi phạm và đảm bảo an toàn PCCC sẽ được hoạt động theo quy định'', PC07 thông tin.
Năm 2024, TPHCM xảy ra 437 vụ cháy (1 vụ cháy lớn, 1 vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, 11 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 127 vụ cháy trung bình và 297 vụ cháy nhỏ, thiệt hại không đáng kể).
Thiệt hại về người: chết 16 người, bị thương 21 người. Thiệt hại về tài sản: ước tính thành tiền khoảng 12,5 tỷ đồng. Nguyên nhân gây cháy phổ biến nhất là do sự cố các hệ thống, thiết bị điện sản xuất - sinh hoạt.
Phân loại cháy gồm loại hình nhà ở riêng lẻ xảy ra 222 vụ cháy làm 12 người chết, 13 người bị thương, thiệt hại thành tiền hơn 2,9 tỷ đồng; loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh xảy ra 23 vụ cháy làm chết 3 người, 4 người bị thương, thiệt hại thành tiền 177,2 triệu đồng.
Tuấn Kiệt