Anh Võ Điền Trung Dũng (42 tuổi, ngụ xã Liêu Tú, TP Cần Thơ) sở hữu trang trại nuôi cá chẽm với hàng chục ao, rộng hơn 40ha đang trong kỳ thu hoạch.
Với mức giá ổn định như hiện nay, trang trại cá chẽm mang lại doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là cơ sở cung cấp hàng nghìn tấn cá nguyên liệu, đưa loài cá đặc sản miền Tây xuất khẩu đi nhiều quốc gia.
Anh Dũng có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm ở địa phương. Năm 2010, nuôi trồng thủy sản nước lợ dần trở thành xu hướng tất yếu, trong đó cá chẽm được đánh giá là loài có khả năng thích ứng tốt với điều kiện xâm nhập mặn nơi đây.
Mạnh dạn chuyển đổi mô hình, anh Dũng thu bộn tiền nhờ nuôi cá chẽm. Ảnh: T.T
Cùng thời điểm này, tôm nuôi bị thiệt hại lớn do dịch bệnh, ông chủ trang trại khi ấy tiên phong chuyển đổi 1,5ha ao tôm kém hiệu quả để thử nghiệm nuôi cá chẽm.
Ban đầu, anh phải học hỏi kinh nghiệm, mày mò tìm hiểu tính thích nghi của loài cá này tại vùng nuôi tôm, sau đó là nghiên cứu thị trường.
“Lúc đó vẫn chưa có tín hiệu tích cực về đầu ra cho con cá chẽm, nhưng tôi xác định thị trường tiêu thụ chính sẽ là các chợ đầu mối ở TPHCM”, anh Dũng kể. Năm đầu, ao nuôi của anh cho thu hoạch khoảng 50 tấn cá.
Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh dần mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình nuôi cá chẽm quanh năm để chuyển giao cho những hộ nuôi trong khu vực.
Cá chẽm nuôi từ 8-12 tháng sẽ thu hoạch. Ảnh: T.T
Cơ hội chỉ thực sự đến khi con cá chẽm được xuất khẩu, nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ngày một tăng. Cuối năm 2019, anh quyết định dừng hẳn nuôi tôm, thuê 40ha làm trang trại nuôi cá chẽm bằng hình thức thâm canh công nghiệp.
Cơ sở của anh được đầu tư bài bản với hệ thống xử lý nước tuần hoàn, đảm bảo các chỉ tiêu nghiêm ngặt về môi trường. Chỉ riêng chi phí đầu tư hạ tầng đã lên đến khoảng 1,5 tỷ đồng/ha mặt nước.
Theo anh Dũng, tùy mức độ đầu tư, người nuôi có thể lựa chọn các hình thức khác nhau như quảng canh, thâm canh hoặc bán thâm canh. Nhưng yếu tố đầu tiên cần chú ý là chất lượng nước (độ mặn phù hợp cho cá chẽm từ 5-15‰), con giống chọn lựa kỹ lưỡng với kích cỡ ban đầu khoảng 10cm.
Sau hơn 15 năm lăn lộn, hiện cơ sở của anh Dũng được đánh giá là một trong những trại nuôi cá chẽm lớn nhất khu vực miền Tây. Anh cũng xây dựng đội ngũ 10 kỹ sư giám sát tại các vùng nuôi, để hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho bà con.
Nhân công thu hoạch cá chẽm tại trang trại của anh Dũng. Ảnh: T.T
Bên cạnh đó, anh cũng liên kết với các nhà máy chế biến để xuất khẩu phi lê cá chẽm sang các thị trường Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Trung Đông,... với sản lượng trên 1.000 tấn/năm. Khoảng 2.000 tấn cá cũng được tiêu thụ trong nước, chủ yếu ở TPHCM, TP Cần Thơ, Tiền Giang (cũ)...
Sau nhiều năm biến động theo chiều hướng giảm, giá cá chẽm đang neo ở mức cao. Giá cung ứng cho nhà máy chế biến khoảng 90.000 đồng/kg (thu mua tại ao), tiêu thụ nội địa từ 95.000-100.000 đồng/kg (loại con từ 1kg trở lên).
Tuy vậy, thị trường cũng không ít lần chao đảo, thậm chí có thời điểm giá cá giảm còn 20.000 đồng/kg.
“Giá cá hôm nay phản ánh quyết định của người nuôi vài năm trước. Khi nhiều người lỗ vốn, không tái sản xuất thì nguồn cung sụt giảm, giá tăng. Khi bà con ồ ạt tái đàn thì giá lại rớt mạnh”, anh phân tích.
Anh Dũng chia sẻ, nuôi trồng thủy sản là ngành cạnh tranh khốc liệt, không thể làm theo kiểu “ăn xổi”. Muốn đi đường dài phải có sự kiên trì, kiến thức và đặc biệt là liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, nhà máy chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu.
Trần Tuyên