Tính đến chiều 31/3, chính quyền quân sự Myanmar xác nhận ít nhất 2.056 người đã thiệt mạng và hơn 3.900 người bị thương trong trận động đất kinh hoàng vừa qua. Gần 300 người khác vẫn đang mất tích, CNN cho biết.
Theo mô hình dự báo ban đầu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), số người chết có thể vượt 10.000 người, khiến đây trở thành một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất trong khu vực.
Dù tâm chấn nằm tại Myanmar, sức tàn phá của động đất đã lan rộng đến thủ đô Bangkok (Thái Lan), nơi ít nhất 18 người đã thiệt mạng. Trong đó, 11 người bị chôn vùi khi một tòa nhà đang xây dựng đổ sập chỉ trong vài phút. 7 người khác tử vong tại các khu vực khác trong thành phố.
Công tác tìm kiếm cứu nạn tại Bangkok vẫn đang tiếp diễn khi khoảng 80 người còn mất tích. Người thân của các nạn nhân tuyệt vọng chờ đợi tin tức bên ngoài khu vực tòa nhà bị sập.
Giới chuyên gia nhận định, 72 giờ đầu tiên sau thảm họa được coi là "giờ vàng" để giải cứu những người bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Sau khoảng thời gian này, cơ hội sống sót sẽ giảm mạnh nếu không có nguồn nước.
Một quan chức từ Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế (IFRC) nhận định rằng mức độ tàn phá mà Myanmar đang trải qua "chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua tại châu Á".
Sau trận động đất, việc liên lạc với người dân tại nhiều khu vực ở Myanmar, bao gồm cả Mandalay, trở nên khó khăn. Điều này khiến các tổ chức cứu trợ gặp nhiều trở ngại trong việc đánh giá toàn diện thiệt hại cũng như điều phối viện trợ nhân đạo.
Người dân xếp hàng nhận cứu trợ gần tâm chấn động đất ở Sagaing, Myanmar, ngày 31/3. Ảnh: Reuters.
Hệ thống y tế Myanmar đang rơi vào khủng hoảng khi số lượng bệnh nhân đổ về các bệnh viện sau trận động đất tăng vọt.
Tại Bệnh viện Đa khoa Mandalay, nơi có 1.000 giường bệnh, hàng trăm bệnh nhân buộc phải điều trị ngoài trời do phòng bệnh đã chật kín. Dưới cái nắng gay gắt lên tới 40⁰C, nhiều người nằm la liệt trên cáng giữa bãi đỗ xe, trong tình trạng kiệt sức và đau đớn, theo Guardian.
Tại Sagaing, hậu quả của trận động đất càng thêm nghiêm trọng. Nhà cửa, cơ sở hạ tầng đổ sập gần như khắp nơi, trong đó có cả trụ sở cứu hỏa tỉnh. Các thiết bị cứu hộ quan trọng bị chôn vùi dưới đống đổ nát, làm gián đoạn nghiêm trọng công tác ứng cứu.
Bệnh viện Sagaing cũng bị hư hại, buộc nhân viên y tế phải cấp cứu bệnh nhân ngay giữa trời nắng nóng. Ma Ei, một tình nguyện viên tham gia cứu trợ, cho biết khoảng 200 bệnh nhân đã đến đây ngay sau động đất, phần lớn bị gãy chân tay, chấn thương đầu.
"Có thể con số thực tế còn cao hơn. Những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thậm chí còn chịu đựng đau đớn hơn nhiều", Ma Ei chia sẻ.
Tại Naypyidaw - thủ đô hành chính của Myanmar, một bệnh viện ba tầng đã bị sập, khiến nhiều bệnh nhân bị mắc kẹt.
Tính đến ngày 30/3, Văn phòng Điều phối Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) báo cáo thiệt hại trên diện rộng với gần 1.700 ngôi nhà, 670 tu viện, 60 trường học và 3 cây cầu bị phá hủy. Ngoài ra, các đập thủy điện lớn cũng đang bị đe dọa về kết cấu, gây nguy cơ vỡ đập.
Một trong những tổn thất nghiêm trọng nhất là cây cầu bắc qua sông Irrawaddy gần Mandalay đã bị phá hủy hoàn toàn. Hầu hết đoạn cầu đều sập xuống nước hoặc hư hỏng nặng, khiến việc vận chuyển cứu trợ trở nên cực kỳ khó khăn.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh do các thi thể chưa được chôn cất. Một tuyên bố từ Sagaing Federal Unit Hluttaw, cơ quan chống chính quyền quân sự, cho biết: "Nhiều thi thể vẫn còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Những thi thể được đưa ra ngoài cũng chưa được chôn cất kịp thời, gây ra mùi hôi thối nồng nặc và tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng".
Nhiều công trình ở Myanmar đổ sập vì trận động đất 7,7 độ Trận động đất mạnh 7,7 độ diễn ra vào khoảng 12h50 ngày 28/3 (giờ địa phương) với tâm chấn được xác định ở tây bắc thị trấn Sagaing, miền Trung Myanmar, cách Mandalay 17,2 km.