Hơn 2.000 tỷ đồng xây trường THPT

Hơn 2.000 tỷ đồng xây trường THPT
3 giờ trướcBài gốc
Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM:
25 dự án trường THPT sẽ được cải tạo, xây mới
Nhằm từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở mạng lưới trường lớp của thành phố, trong kỳ trung hạn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, UBND TPHCM đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM (viết tắt là Ban DDCN) thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, lập dự án để triển khai đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 8 công trình với quy mô xây dựng 276 phòng học (không tính các phòng học bộ môn), tổng mức đầu tư từ ngân sách thành phố là trên 1.270 tỷ đồng. Khi TPHCM xây dựng Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới, hướng tới chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và TPHCM trong năm 2025, ban được giao thực hiện thêm 17 dự án xây trường THPT. Theo phương án tính toán ban đầu, 17 dự án này sẽ có 418 phòng học xây mới, với hơn 1.107 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách thành phố.
Thi công tuyến đường vào dự án Trường Tiểu học Lê Minh Xuân 2 và dự án Trường THCS Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: QUANG HUY
Ban DDCN phấn đấu khởi công 8 dự án đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn trung hạn 2021-2025 trong quý 4-2024 và trong năm 2025. Đối với 17 dự án trường còn lại, trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, Ban DDCN và Sở GD-ĐT TPHCM gặp một số vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Những vướng mắc này được chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1 là một số dự án được xác định quy mô phù hợp nhu cầu sử dụng thực tế, tuy nhiên chưa phù hợp quy hoạch 1/2000 và quy hoạch chung của thành phố. Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành các quyết định ủy quyền công tác phê duyệt, điều chỉnh cho địa phương, đồng thời ban hành quy trình rút ngắn thời gian thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch đối với các dự án đầu tư công. Đây là cơ sở để 21 quận, huyện và TP Thủ Đức vào cuộc quyết liệt hơn trong điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch 1/2000 và quy hoạch chung, làm cơ sở phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy hoạch tổng mặt bằng). Nếu các đơn vị liên quan không vào cuộc tháo gỡ các “nút thắt” trên, một mình ban không thể thực hiện được.
Nhóm 2 là các dự án trường học bị ảnh hưởng định mức diện tích đất bình quân theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020 của Bộ GD-ĐT. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó định mức diện tích đất bình quân/học sinh THPT là 10m2/học sinh. Định mức này không phù hợp với đặc thù của thành phố, dẫn đến khả năng đầu tư bị giới hạn. Vướng mắc này cần được Bộ GD-ĐT tháo gỡ.
Một trong những dự án kéo dài 17 năm qua là dự án Trường THPT Ernst Thälmann.Về quy hoạch, trường này nằm hoàn toàn trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930ha) được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 6708/QĐ-UBND ngày 29-12-2012. Vì vậy, để triển khai dự án trên thì phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000. Bên cạnh đó, diện tích khu đất của trường là 5.494m2 nên cũng không đảm bảo tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất các trường học theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT. Đồng thời, do liên quan đến công trình có yếu tố về lịch sử, văn hóa nên Sở VH-TT TPHCM đang nghiên cứu hồ sơ di tích địa điểm Trường THPT Ernst Thälmann để lấy ý kiến của các đơn vị liên quan đối với khu vực bảo vệ di tích và hoàn thiện hồ sơ trình UBND TPHCM xem xét, quyết định xếp hạng di tích đối với trường. Về việc này, Ban DDCN đã phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM để thực hiện phương án bảo tồn cho khối nhà A (khối nhà di tích).
Trong trường hợp dự án này được thông qua các thủ tục đầu tư trong năm 2024 thì ban sẽ trình phê duyệt dự án, phấn đấu triển khai thiết kế, đấu thầu và thi công trong quý 4-2025.
Ông VŨ NGUYỄN QUANG VINH, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM:
Lớp học “chuồng chim” sẽ được cải tạo, xây mới
Hiện trên địa bàn quận 1 có một số trường học sử dụng hơn 50 năm, đã xuống cấp, như Trường THCS Văn Lang, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ… Để thực hiện thành công Đề án 4.500 phòng học mới của thành phố, quận 1 đã có nhiều văn bản gửi cấp trên đề xuất hỗ trợ tháo gỡ. Mới nhất, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đã ký Tờ trình số 5655/TTr-UBND về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây mới Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1) gửi HĐND TPHCM xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây mới trường thành 30 phòng học (11 phòng học và 19 phòng chức năng); điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong thời gian 2024-2025.
Về dự án cải tạo Trường THCS Văn Lang, trước mắt quận 1 đã chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực quận 1 triển khai cải tạo, sửa chữa một số hạng mục như nhà vệ sinh, sân chơi…, đồng thời giao ban phối hợp các đơn vị liên quan rà soát các vướng mắc trong quy hoạch, vận động thuyết phục 3 hộ dân có nhà trong khuôn viên trường đồng thuận với các kế hoạch của quận để phấn đấu trong năm 2025 sẽ triển khai cải tạo, sửa chữa ngôi trường này.
Ông VÕ THÀNH CÔNG, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM:
Bước đầu giải quyết được tình trạng thiếu trường lớp
Xã Lê Minh Xuân hiện có 41.541 nhân khẩu/13.185 hộ dân. Do dân số tăng cơ hữu năm sau luôn tăng hơn năm trước, nên dù xã có 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT và 1 trường năng khiếu nhưng tình trạng quá tải học sinh vẫn kéo dài. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện Bình Chánh, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch nên 2 dự án trường học mới trên địa bàn xã vượt tiến độ huyện đặt ra. Trong tháng 9, Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh đã tiến hành khởi công xây mới Trường Tiểu học Lê Minh Xuân 2 với quy mô 30 phòng học, đầy đủ phòng chức năng trên diện tích đất gần 13.000m2, tổng mức đầu tư trên 135 tỷ đồng và dự án Trường THCS Lê Minh Xuân 2 với 45 phòng học, đầy đủ phòng chức năng trên diện tích gần 24.114m2, tổng mức đầu tư gần 158 tỷ đồng.
Hai công trình này sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2025-2026. Đây là niềm vui, phấn khởi của nhân dân xã Lê Minh Xuân, qua đó giúp địa phương không còn lo cảnh quá tải trường, lớp học.
25 dự án nâng cấp, sửa chữa, xây mới trường học do Ban DDCN thực hiện
8 dự án trong kỳ đầu tư công trung hạn 2021-2025
Trường THPT Trần Văn Giàu (cải tạo 45 phòng, tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng); Trường THPT Võ Trường Toản (cải tạo 45 phòng, gần 176 tỷ đồng); Trường THPT Trung Phú (cải tạo 45 phòng, trên 279 tỷ đồng); Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (cải tạo 36 phòng, trên 215 tỷ đồng); Trường THPT Marie Curie (xây mới 13 phòng, trên 42 tỷ đồng); Trường THPT Hùng Vương (cải tạo 20 phòng, xây 25 phòng học mới, gần 300 tỷ đồng); Trường THPT Trưng Vương (cải tạo, xây mới 45 phòng, 95 tỷ đồng); Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp phân hiệu Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (cải tạo 40 phòng, xây 5 phòng học mới, trên 95 tỷ đồng).
17 dự án trong Đề án 4.500 phòng học mới
Xây dựng mở rộng và cải tạo Trường THPT Nguyễn Du; cải tạo mở rộng Trường THPT Nguyễn Trãi; xây mới Trường THPT Nguyễn Thái Bình; nâng cấp, cải tạo Trường THPT Diên Hồng; cải tạo, mở rộng Trường THPT Ngô Quyền; xây mới, cải tạo Trường THPT Ernst Thälmann; xây dựng nâng cấp Trường THPT Trường Chinh; cải tạo, mở rộng Trường THPT Lê Thánh Tôn; xây dựng, nâng cấp Trường THPT Bình Phú; cải tạo, nâng cấp (giai đoạn 1) Trường THPT Sương Nguyệt Anh; cải tạo mở rộng Trường THPT Nguyễn Trung Trực.
QUANG HUY - AN KHÁNH ghi
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/hon-2000-ty-dong-xay-truong-thpt-post763505.html