Ngày 12/1, theo nguồn phân tích Lostarmour, kể từ khi xung đột nổ ra quân đội Nga đã triển khai 2.806 UAV Lancet nhằm vào các mục tiêu chiến lược, chủ yếu là pháo binh, trong đó 2.182 (77,7%) cuộc tấn công trúng mục tiêu, bao gồm 738 mục tiêu bị phá hủy hoàn toàn và 1.444 mục tiêu bị hư hại.
Máy bay không người lái Lancet của Nga. (Nguồn: Getty Images)
Pháo binh là một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược phòng thủ của Ukraine, với khả năng cung cấp hỏa lực tầm xa và hỗ trợ cho bộ binh tại các khu vực chiến sự. Tuy nhiên, Nga đã triển khai hàng trăm UAV Lancet để vô hiệu hóa các hệ thống pháo này.
Báo cáo cho biết, có ít nhất 760 cuộc tấn công nhắm vào các lựu pháo của Ukraine và 517 cuộc tấn công khác nhắm vào pháo tự hành — những vũ khí quan trọng giúp Ukraine giữ vững các vị trí phòng thủ.
Máy bay không người lái Lancet, còn gọi là UAV "kamikaze", do công ty Zala Aero thuộc Tập đoàn Kalashnikov phát triển. Đây là loại vũ khí có khả năng "lang thang" trên không để tìm kiếm và phá hủy mục tiêu mà không cần sự giám sát liên tục từ người điều khiển.
Dù vậy, không phải mọi cuộc tấn công đều đạt hiệu quả như mong đợi. Báo cáo cũng ghi nhận 417 cuộc tấn công không đạt được kết quả hoặc không thể xác nhận mục tiêu bị trúng đích. Điều này cho thấy việc triển khai UAV trong các môi trường chiến sự phức tạp vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt khi đối phương áp dụng các biện pháp ngăn chặn và gây nhiễu tín hiệu.
Một giai đoạn đáng chú ý trong việc sử dụng UAV Lancet là vào tháng 5/2024, khi quân đội Nga ghi nhận 303 cuộc tấn công bằng loại vũ khí này — số lượng cao nhất trong một tháng kể từ khi chiến sự bắt đầu.
UAV Lancet được đánh giá cao nhờ tính linh hoạt và khả năng tự động tìm kiếm mục tiêu. Loại vũ khí này có thể mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn nổ phân mảnh, đầu đạn tích lũy để xuyên giáp, đầu đạn nhiệt áp có khả năng phá hủy các công trình kiên cố.
Với tải trọng lên tới 5kg, UAV Lancet có thể gây thiệt hại nặng cho nhiều loại mục tiêu, từ xe bọc thép, trạm radar, đến các hệ thống pháo binh. Phạm vi hoạt động của UAV này cũng khá ấn tượng, với tầm bay lên tới 70km và tốc độ tối đa 120km/h.
Thời gian bay liên tục trong 40 phút cho phép Lancet lượn tại các khu vực chiến sự để tìm kiếm và tấn công các mục tiêu mà không cần phải quay về căn cứ tiếp nhiên liệu.
Điểm nổi bật của UAV Lancet so với các loại máy bay không người lái khác là khả năng tự hoạt động mà không cần sự can thiệp liên tục từ người điều khiển. Chức năng này giúp nó có thể tấn công các mục tiêu di động hoặc xuất hiện trong thời gian ngắn, nâng cao hiệu quả tác chiến.
Xuân Minh