Hơn 20 năm theo nghề, cô giáo Cà Mau xúc động nhớ kỷ niệm vượt mưa bão cùng HS

Hơn 20 năm theo nghề, cô giáo Cà Mau xúc động nhớ kỷ niệm vượt mưa bão cùng HS
5 giờ trướcBài gốc
Cô Nguyễn Thị Duyên, Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ, Phó Bí thư Chi bộ khối Xã hội, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là một trong 60 thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.
Nhận ra đam mê với nghề khi được ở gần khu nhà tập thể giáo viên thời trung học phổ thông
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Duyên tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển, nơi tận cùng của tổ quốc, tôi cũng may mắn được trở về quê hương để giảng dạy. Có lẽ vì thế mà tôi thấy yêu thương quê hương của mình đến lạ. Tôi yêu từng con đường, yêu cả mùi vị của các nhà máy bột cá mà có người từng khó chịu về nó.
Thị trấn Sông Đốc những năm tôi mới ra trường là vùng biển thuộc vùng sâu, vùng xa; dân cư tứ xứ về đây làm kinh tế, chủ yếu là đi biển, buôn bán nên họ cũng ít quan tâm đến việc học cũng như vai trò của việc học tập đối với đời sống".
Chính vì thế, khi nhắc đến công việc giảng dạy, cô Duyên chia sẻ rằng, nghề giáo không phải là ước mơ từ thuở nhỏ của cô, nhưng khi gắn bó với công việc này, cô nhận ra bản thân đã yêu thích nó như một phần của cuộc sống bởi cô có được niềm vui khi thấy học sinh trưởng thành từ những bài giảng của mình.
Cô Nguyễn Thị Duyên, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: NVCC).
Bên cạnh đó, cơ duyên đặc biệt khiến nữ giáo viên càng thêm yêu mến nghề cao quý này chính là từng có cơ hội sinh sống gần khu tập thể của các thầy cô giáo khi còn học trung học phổ thông.
“Những năm học trung học phổ thông phải học xa nhà, tôi may mắn được ở trọ gần khu nhà tập thể của các thầy cô giáo và được chứng kiến cuộc sống thường ngày của họ. Lúc đó, tôi cảm nhận được cuộc sống của những người giáo viên có điều gì đó thật giản dị mà ấm áp, mặc dù thời điểm đó thầy cô rất khó khăn về điều kiện vật chất”, cô Duyên nhớ lại.
Chính trong những khoảnh khắc quan sát thầy cô giáo tận tụy với nghề, dù phải đối mặt với bao khó khăn trong cuộc sống, cô Duyên đã cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị trong công việc "trồng người"
Mặc dù hoàn cảnh vật chất lúc bấy giờ rất khó khăn, nhưng hình ảnh của những người thầy, người cô đã gieo vào lòng cô giáo vùng biển một ước mơ mãnh liệt là trở thành giáo viên, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Duyên quyết định trở về quê hương để bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. Nữ giáo viên bộc bạch: "Năm tôi mới ra trường, Trường Trung học phổ thông Sông Đốc mới xây dựng được 2 năm nhưng còn thiếu giáo viên. Tôi nghĩ tại sao mình không trở về quê hương để công tác, cũng là để phục vụ cho chính nơi mình đã sinh ra và lớn lên”.
Khi cô về trường, điều kiện cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn. Trường nằm giữa một khu dân cư đông đúc, nhưng đường sá đi lại rất khó khăn, không chỉ vì địa hình vùng sông nước mà còn vì cơ sở vật chất tại trường chưa phát triển.
Cô Duyên nhớ lại, con đường dẫn vào trường quanh co, hẹp và lầy lội, đặc biệt là đoạn đường đất chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua, hai bên là bờ sông. Trong những ngày mưa gió, việc di chuyển trở nên vô cùng vất vả.
Thời gian đầu mới nhận công tác, cô Duyên phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Vùng đất Sông Đốc vốn là một vùng sâu, vùng xa, đường sá khó khăn, tình hình xã hội cũng phức tạp, cũng bởi lẽ đó mà việc học không được nhiều người chú trọng.
Đặc biệt, học sinh nơi đây phần lớn là con em ngư dân, nhiều em phải ra khơi cùng cha mẹ từ khi còn nhỏ, việc đi học với các em không phải là điều dễ dàng. Nhiều học sinh phải thức dậy từ rất sớm, vượt qua quãng đường dài, có em phải đi học bằng đò dọc, xuồng, qua phà gần cửa biển. Thậm chí, vào những ngày mưa gió biển động, các em phải đối mặt với sóng lớn nguy hiểm để đến trường.
Một trong những điều mà cô giáo vùng biển này nhớ mãi là hình ảnh những học sinh vượt qua bao gian nan, khổ cực để đến lớp. "Có những hôm, mưa to gió lớn, các em đến trường ướt sũng, có em bị trễ học, nhưng tôi chưa bao giờ thấy các em nản lòng. Chứng kiến các em trong hoàn cảnh đó, tôi và các đồng nghiệp không khỏi cảm thấy thương và trân trọng những nỗ lực của các em trên hành trình tìm kiếm tri thức", cô Duyên xúc động chia sẻ.
Cô Duyên chụp ảnh cùng các em học sinh Trường Trung học phổ thông Sông Đốc. (Ảnh: NVCC)
Nhớ mãi khoảnh khắc cô trò cùng vượt qua mưa bão, lớp học bị dột
Nhiều năm giảng dạy cho học trò vùng biển, có biết bao kỷ niệm khiến cô Duyên nhớ mãi, nhất là những lúc cô trò cùng nhau vượt qua mưa bão. Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Sông Đốc nhớ lại những ngày đầu giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Sông Đốc, phòng học tạm bợ, nền đất, mái lợp bằng tôn, lá dừa, nhiều khi trời mưa, phòng học lại dột. Trong một tiết học, khi mưa lớn, nước dột vào nhiều chỗ, cô trò phải cùng nhau di chuyển bàn ghế, xếp lại sách vở để tránh nước.
Cô Duyên kể lại: "Lúc đó, mặc dù rất vất vả, nhưng tôi và các học sinh không cảm thấy buồn bã, ngược lại, cả lớp cảm thấy ấm áp hơn, gần gũi hơn, gắn bó với nhau trong khó khăn".
Qua hơn 20 năm giảng dạy, cô giáo Ngữ văn này đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của Trường Trung học phổ thông Sông Đốc. Cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, với các phòng học mới, khang trang và đầy đủ thiết bị. Hơn hết, cô cảm thấy rất tự hào khi chứng kiến học sinh của mình, từ những em có hoàn cảnh khó khăn, không thiết tha với việc học, giờ đây đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc học đối với tương lai.
Sau hơn 2 thập kỷ gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Duyên đã đạt được nhiều thành tích đáng nể trong công tác giảng dạy. Trong đó, cô nhiều lần nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Liên đoàn lao động tỉnh Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Công đoàn giáo dục tỉnh Cà Mau...
Cô Duyên chia sẻ, những thành tích này không phải là thành công cá nhân mà là kết quả của sự phối hợp, hỗ trợ từ đồng nghiệp và sự cố gắng của chính các em học sinh. Mỗi một thành tích đối với cô là một niềm vui lớn, nhưng niềm hạnh phúc thực sự của nữ giáo viên là khi nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành, thành công trong cuộc sống.
Một số giấy khen mà cô Duyên nhận được trong hơn 20 năm làm nghề của mình. (Ảnh: NVCC)
Với bề dày kinh nghiệm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Duyên còn chia sẻ những phương pháp để giúp học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa, phát triển niềm đam mê học tập. Theo cô, điều quan trọng là mỗi giáo viên phải hiểu rõ nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác giáo dục.
Cô luôn chú trọng đến việc tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi, để học sinh có thể tự tin, thoải mái chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong học tập. Cô Duyên cũng đặc biệt nhấn mạnh việc quan tâm đến học sinh cá biệt, học sinh yếu kém và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô luôn tìm cách động viên, khích lệ kịp thời để học sinh có tiến bộ.
Cô Nguyễn Thị Duyên trong giờ lên lớp. (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Sông Đốc cho rằng giáo viên cần phải lắng nghe học sinh, hiểu được tâm tư nguyện vọng của các em để có thể đồng hành cùng các em vượt qua khó khăn, từ đó khơi dậy niềm đam mê học tập của học sinh.
Cô giáo Ngữ văn này cũng không quên dành lời khuyên cho các thế hệ giáo viên trẻ, đặc biệt là những thầy cô đang công tác ở các vùng khó khăn. Theo cô Duyên, sự tận tâm, yêu nghề và kiên nhẫn là những yếu tố quan trọng nhất giúp giáo viên vượt qua mọi thử thách. Cô Duyên mong rằng các thầy cô sẽ luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Nguyễn Thị Duyên gửi lời chúc đến các thế hệ học sinh và đồng nghiệp. Cô hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ không ngừng nỗ lực phát triển bản thân, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống của dân tộc.
Cô giáo vùng biển này cũng mong rằng sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, để họ có thể tiếp tục cống hiến và cải thiện điều kiện giảng dạy.
Một số thành tích của cô Nguyễn Thị Duyên trong quá trình công tác:
- Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam theo Quyết định số 44/QĐ-KTTW ngày 15 tháng 08 năm 2008 của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 18706 ngày 27 tháng 06 năm 20012 của Liên đoàn lao động tỉnh Cà Mau.
- Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.
- Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 2680/QĐ-BGDĐT ngày 19 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau theo Quyết định số: 1506/QĐ-UBND, ngày 23/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.
- Quyết định khen thưởng Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau năm 2007, 2008, 2014, 2015, 2020, 2021, 2022, 2024.
- Quyết định khen thưởng "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau năm 2007, 2009.
- Quyết định khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau năm 2007, 2008, 2014, 2015, 2020, 2021, 2022, 2023.
Diệp Anh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hon-20-nam-theo-nghe-co-giao-ca-mau-xuc-dong-nho-ky-niem-vuot-mua-bao-cung-hs-post247078.gd