Hơn 200 chuyên gia trong nước và quốc tế bàn về khoa học dạy học

Hơn 200 chuyên gia trong nước và quốc tế bàn về khoa học dạy học
2 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh hội thảo.
Với chủ đề ‘Những thay đổi trong Khoa học của sự học và Công nghệ’, Hội thảo là diễn đàn khoa học liên ngành và đa ngành để các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, gồm: tâm lý học, ngôn ngữ học, thần kinh nhận thức, khoa học giáo dục trao đổi về các vấn đề liên quan đến quá trình nhận thức, học tập của người học và các phương pháp dạy học tích cực có ứng dụng công nghệ...
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, sự tiến bộ của công nghệ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển liên tục của giáo dục. Quá trình này dẫn đến những thay đổi mang tính chuyển đổi trong nhiều khía cạnh của giáo dục; đặc biệt là về mục tiêu, nội dung, phương thức và cấu trúc.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền chia sẻ tại hội thảo.
Những thay đổi này đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với chương trình đào tạo giáo viên tại các trường đại học sư phạm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền trao đổi. Các chương trình này cần thích ứng với bối cảnh giáo dục đang thay đổi để chuẩn bị đầy đủ cho các nhà giáo tương lai trước những thách thức và cơ hội của thế kỷ 21.
Trên cơ sở phân tích những nghiên cứu mới nhất được công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống SCOPUS, liên quan đến tương lai của giáo dục từ góc độ tích hợp công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận thấy, các công cụ và công nghệ số ngày càng nổi bật trong môi trường giáo dục.
Các phương pháp sư phạm mới xuất hiện và dần trở nên phổ biến, nổi bật là xu hướng học tập cá nhân hóa, nơi nội dung giảng dạy được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu riêng của từng học sinh.
Ngoài ra, sự tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục ngày càng phổ biến, cải thiện cả trải nghiệm học tập lẫn giảng dạy, đồng thời cung cấp các phương pháp hiệu quả để đánh giá và theo dõi tiến trình học tập của học sinh.
Hơn nữa, sự chuyển đổi đáng kể đang diễn ra đối với các mô hình học tập kết hợp và từ xa, mang lại sự linh hoạt và khả năng tiếp cận giáo dục cao hơn cho học sinh, bất kể vị trí địa lý. Những xu hướng này cho thấy sự thay đổi lớn trong cấu trúc, phương thức cung cấp và trải nghiệm giáo dục.
Chuyên gia quốc tế tham luận tại hội thảo.
Đưa ra Mô hình về phát triển chuyên môn giáo Viên là DECODE (DEmo-CO-design/teach-feedback-DEbriefing); GS.TS Chun-Yen Chang, ĐH Sư phạm quốc lập Đài Loan - cho hay, mô hình này được thiết kế để nâng cao thực tiễn giảng dạy bằng cách tích hợp các công nghệ đổi mới như: AI, thông qua công nghệ CloudClassRoom và các chiến lược sư phạm mà giáo viên, học sinh có thể tiếp cận hứa hẹn sẽ chuyển đổi cách chúng ta giáo dục.
Qua thực tiễn triển khai ở Đài Loan, mô hình DECODE giao thoa các công nghệ như AI tạo sinh với giáo viên, học sinh để các công nghệ sư phạm và môn học của CCR, AISI có thể dễ dàng tiếp cận để chuyển đổi các chương trình đào tạo giáo viên trong thế kỷ 21.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các vấn đề như: dạy học Khoa học, giáo dục STEM/STEAM, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy ngôn ngữ, ứng dụng liên ngành giữa ngôn ngữ học và thần kinh học...
Các chuyên gia trong nước trao đổi tại hội thảo,
Từ những thảo luận đa chiều về quá trình nhận thức của người học, các đại biểu đưa ra cách tiếp cận sâu sắc về khoa học của quá trình dạy học; từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học đặc biệt là những cách thức dạy học tiên tiến.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cam kết thúc đẩy sự xuất sắc trong nghiên cứu và hợp tác. "Chúng tôi tự hào được tổ chức một sự kiện danh giá này, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng khẳng định khi phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn tin tưởng, sự kiện này sẽ khơi nguồn những cuộc thảo luận sâu sắc và những hợp tác có ý nghĩa, tạo ra ảnh hưởng lâu dài không chỉ trong lĩnh vực khoa học học tập mà còn vượt xa hơn thế.
"Chúng tôi rất vinh dự khi có sự tham gia của một nhóm đại biểu xuất sắc, những người có công trình nghiên cứu truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến người học ở mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh. Những đóng góp của quý vị trong những ngày sắp tới chắc chắn sẽ mang lại các cuộc thảo luận phong phú và những ý tưởng mang tính chuyển đổi" - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo IWALS được khởi xướng từ những năm đầu thế kỷ XXI và nhanh chóng trở thành sự kiện học thuật có uy tín trong nghiên cứu khoa học giáo dục nói riêng và khoa học xã hội nói chung.
Hội thảo được tổ chức thường niên tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới và thu hút sự tham gia của hàng trăm học giả đến từ Anh, Đức,Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Việt Nam…
Hội thảo năm nay đã thu hút được hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài nước gửi bài tham dự. Ban tổ chức đã lựa chọn tổ chức 12 phiên báo cáo trình bày miệng và 44 báo cáo dạng poster trưng bày tại Hội thảo.
Minh Phong. Ảnh: Thanh Tùng/TTX
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/hon-200-chuyen-gia-trong-nuoc-va-quoc-te-ban-ve-khoa-hoc-day-hoc-post712129.html