Tính đến cuối năm 2024, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng đạt 13,88 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại cảng Tiên Sa
Trước đó, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về dự thảo quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2025 với nhu cầu vốn là 31.510 tỷ đồng, gồm hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 8.240 tỷ đồng, và bến cảng khoảng 23.270 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, cảng biển Đà Nẵng gồm các khu bến Tiên Sa, Liên Chiểu, Thọ Quang, Mỹ Khê, bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa và các khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, các cảng ở Đà Nẵng có thể đáp ứng 23 - 29 triệu tấn hàng hóa thông qua, đáp ứng năng lực tiếp nhận từ 532.300 - 597.000 lượt khách. Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch phê duyệt 12 - 15 bến cảng gồm 20 - 23 cầu cảng với tổng chiều dài từ 4.220,3 - 5.745,3 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 - 5,5%/năm.
Giai đoạn đến năm 2030 cũng sẽ hoàn thành đầu tư khu bến Liên Chiểu có quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa. Cụ thể gồm 8 bến cảng lỏng/khí, 8 bến cảng container, 6 bến cảng tổng hợp, hàng rời, phát triển hàng container theo kỳ quy hoạch khi có nhu cầu. Sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 167 ha, chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn với cảng.
Báo cáo thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2024, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng đạt 13,88 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại cảng Tiên Sa. Trong giai đoạn 2020 - 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân về hàng hóa đạt 5,9%, trong khi tăng trưởng về hành khách đạt 14,88%. Về hạ tầng hàng hải, đến hết năm 2024, cảng biển Đà Nẵng có 18 cầu cảng với tổng chiều dài 2.800,3 m, vượt 20% về số cầu cảng và 24,9% về chiều dài so với quy hoạch đến năm 2020 (15 cầu cảng với tổng chiều dài 2.242 m).
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết thêm rằng đến nay, khối lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng đã vượt các kịch bản trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm cảng biển số 3) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Lấy ví dụ, lượng hàng container qua cảng vượt mức dự báo khoảng 39%; riêng bến cảng Tiên Sa đã hoạt động vượt công suất từ 11,68 - 31,16% công suất quy hoạch đến năm 2020 theo quy hoạch (từ 8,6 - 10 triệu tấn), trong khi các khu bến Thọ Quang và Liên Chiểu thì chưa đạt công suất thiết kế.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 các cảng ở Đà Nẵng đáp ứng được 23 - 29 triệu tấn hàng hóa thông qua, và năng lục tiếp nhận từ 532.000 - 597.000 lượt hành khách, Cục Hàng hải và Đường thủy cho rằng khu vực cảng biển Đà Nẵng cần được đầu tư khoảng 31.510 tỷ đồng, bao gồm: hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 8.240 tỷ đồng và bến cảng khoảng 23.270 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Nguồn vốn đầu tư sẽ ưu tiên cho các hạng mục kết cấu hạ tầng dùng chung, các bến thuộc khu cảng Liên Chiểu, các công trình bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo đậu tránh, trú bão và hệ thống giám sát giao thông hàng hải,...
Về hạ tầng kết nối, Bộ Xây dựng cho biết sẽ triển khai kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển theo quy hoạch được duyệt.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 vào khoảng 23.335 tỷ đồng. Bao gồm: vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 6.505 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.830 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Bộ Xây dựng sẽ có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng bến cảng, nhất là các bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư bến cảng, quỹ đất, mặt nước; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp cảng thực hiện trong quá trình đầu tư, xây dựng, đặc biệt là tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Thiên Ân