Hơn 30 năm đi tìm dấu chân loài thú bí ẩn

Hơn 30 năm đi tìm dấu chân loài thú bí ẩn
12 giờ trướcBài gốc
Đầu những năm 1990, một số tổ chức nước ngoài về nghiên cứu động vật hoang dã, phát hiện tại nhà của một hộ dân ở xã Hương Quang, huyện Hương Khê nay là xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), lưu giữ bộ sừng thú rừng thon và dài. Sau thời gian dài nghiên cứu, đến tháng 5/1992, giới chuyên môn công bố cặp sừng thon, dài của loài thú này chính là của sao la. Cũng sau lần phát hiện này, nhiều đoàn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước liên tục ra vào rừng núi các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang tìm kiếm, với hy vọng một lần nhìn thấy loài thú bí ẩn nhất thế giới, phục vụ nghiên cứu nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học. Song sau hàng chục năm, đến nay vẫn chưa tìm được bằng chứng khoa học nào khác về sự tồn tại của chúng.
“Lật tung núi" tìm kiếm loài thú bí ẩn
Sau khi phát hiện có sự tồn tại của sao la tại Hà Tĩnh, đến tháng 10 năm 1998, các nhà khoa học tiếp tục chụp được ảnh sao la trong tự nhiên, tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Sau đó phải chờ đến 15 năm, bẫy ảnh của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) mới ghi nhận được hình ảnh sao la tại Quảng Nam. Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có thông tin gì mới về sự tồn tại của loài thú bí ẩn này trên dãy rừng Trường Sơn.
Anh Trần Hữu Hà, Phó trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Sao La chia sẻ, sao la được phát hiện lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Vũ Quang vào năm 1992, gây chấn động cho giới bảo tồn trong nước và quốc tế. Bởi đây là một trong những loài thú hiếm, bí ẩn nhất thế giới, được mệnh danh là kỳ lân châu Á. Sao la cũng xếp hạng ở mức nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và trong sách đỏ của Việt Nam.
Trạm kiểm lâm Sao La được đặt dưới dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, nằm giữa lòng hồ Ngàn Trươi.
Suốt nhiều năm qua, anh Hà đã cùng tham gia cuộc tìm kiếm sao la thông qua việc đặt bẫy ảnh tại những vị trí vùng lõi rừng Trường Sơn nơi nhận định có sự phân bố của sao la. “Trước khi vào rừng đặt bẫy ảnh, anh em đều đặt kỳ vọng lớn đến loài động vật này, song đến nay vẫn chưa có thông tin mới nào”, anh Hà chia sẻ.
Anh Hà trở về đơn vị sau nhiều ngày vào rừng đặt bẫy ảnh, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi, nhưng ánh mắt vẫn kiên định với hy vọng những lần tiếp theo có thể tìm thấy dấu vết của loài sao la.
Trạm sao la nơi anh Hà đang công tác được đặt dưới dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, nằm giữa lòng hồ Ngàn Trươi. Là vùng lõi của Vườn quốc gia Vũ Quang nên trạm được xem là một trong những đơn vị khó khăn nhất khi không sóng điện thoại, thiếu điện thắp sáng. Muốn ra trung tâm huyện phải vượt lòng hồ Ngàn Trươi bằng đường thuyền trong hơn 1h đồng hồ.
Có 12 năm công tác tại Vườn quốc gia Vũ Quang và 3 năm làm việc tại trạm, anh Hà am hiểu, thông thuộc từng địa hình khu đồi nơi mình được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ. Những ngày mùa Đông, sương mù phủ trắng, mưa nhiều hơn khiến con đường dẫn vào những khu vực rừng sâu càng khó thêm bội phần.
Tay mang dao, lưng vác ba lô, đôi chân thoăn thoắt cứ thế nhiều năm qua anh Hà cùng đồng đội lội bộ hướng về cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, nơi chỉ nghe tiếng thú, tiếng nước suối chảy để gắn bẫy ảnh.
Anh Hà tâm sự, mỗi chuyến vào rừng trên lưng gùi hàng là nhu yếu phẩm, xoong nồi, dụng cụ y tế, chăn màn, mỗi bao tải nặng trên 10kg. Từ những vị trí được các chuyên gia xác định tiềm năng có thể gặp sao la, những chiếc bẫy ảnh bắt đầu được anh cùng nhóm tìm kiếm thú rừng gắn vào các gốc cây cổ thụ. Cứ 2km lại đặt một bẫy ảnh, khoảng 2 tháng nhóm sẽ vào thu bẫy với mục đích tìm sao la và những loài động vật quý hiếm khác.
Cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang vào các khu vực rừng sâu đặt bẫy ảnh.
Đến nay đã phát hiện vô số loài động vật thông qua bẫy ảnh như gấu, voi…, nhưng về thông tin loài sao la vẫn chưa được tìm thấy. Đây cũng là ẩn số như thách thức các chuyên gia, nhà tìm kiếm. “Đi gắn bẫy ảnh, thu bẫy ảnh cũng vất vả lắm, ăn rừng, ngủ bụi. Mỗi chuyến vào rừng có khoảng 4-5 người, chuyến đi ít thì 9 ngày, dài thì 15 ngày mới trở về đơn vị”, anh Hà chia sẻ.
Là một trong những người thực hiện nhiệm vụ đặt bẫy ảnh, tìm dấu chân thú trên cánh rừng nguyên sinh, anh Đinh Trọng Hoàng (SN 1993) cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết, nghề này vất vả nhưng bù lại đã rèn luyện cho bản thân bản lĩnh vững vàng. “Khó khăn, vất vả không thể đếm hết, nhưng anh em luôn làm hết mình. Bao năm tìm thông tin về sao la nhưng vẫn chưa có gì. Anh em trong nhóm ngoài thu thập thông tin thông qua bẫy ảnh còn lấy thêm mẫu vắt, nước… để gửi đi xét nghiệm. Nhưng đến hiện tại vẫn chưa thu thập được gì về sự tồn tại của loài sao la”, anh Hoàng nói.
Nỗ lực tìm sao la
Những vách núi đá cheo leo, nơi giáp với đất nước Triệu Voi (Lào), hay những vị trí được chuyên gia nhận định có tiềm năng có sao la, những cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang đã đặt chân tới tìm kiếm. Nhưng đến nay thông tin về sao la vẫn còn là ẩn số.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Vũ Quang) chia sẻ, những năm qua, Vườn quốc gia Vũ Quang đã dốc toàn bộ nhân lực, máy móc, cùng với đó thông qua thông tin từ nhà khoa học, người dân, đơn vị đã tập trung nỗ lực tìm kiếm. Nhưng đáng tiếc là sao la vẫn chưa được phát hiện.
“Bởi vậy chúng tôi vẫn đang hy vọng sao la còn đang sống ngoài tự nhiên, đến một lúc nào đó sẽ được tìm thấy. Mục đích vẫn muốn bảo tồn, không mong muốn loài sao la theo hướng tuyệt chủng”, ông Hùng nói.
Cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang vượt suối vào rừng sâu đặt bẫy ảnh với hy vọng tìm kiếm được loài sao la.
Theo ông Hùng, sao la từng được biết đến là loài động vật đặc hữu của dãy Trường Sơn. Một số địa phương từng ghi nhận có sự tồn tại của sao la. Tại Quảng Nam, Nghệ An từng được phát hiện, cho đến nay các tỉnh này cũng chưa có thông tin về sao la. Để tìm loài thú này, cán bộ vườn cũng nhờ sự hỗ trợ của người dân địa bàn, thông thuộc từng khe núi, vách đá cùng tham gia dẫn đường.
Qua nhiều năm tìm hiểu về loài động vật này, ông Hùng cho rằng sao la là loài vật rất dễ săn bắt, chủ yếu sống ở dãy rừng Trường Sơn. Ngoài giá trị về dinh dưỡng, sao la có bộ sừng rất đẹp, đã bị săn bắt buôn bán thương mại, khai thác tận diệt. Bởi lẽ đó sức giảm rất nhanh, thời điểm hiện tại xếp hạng cực kỳ nguy cấp.
“Hiện các nhà khoa học vẫn đang phối hợp, huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm mong muốn không tuyệt chủng để bảo tồn nguồn gen”, ông Hùng nói.
Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang đặt bẫy ảnh săn ảnh thú quý hiếm.
Ông Thái Cảnh Toàn, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang chia sẻ, hiện tại vườn đang đặt bẫy ảnh ở 85 điểm, mỗi điểm có 2 máy thu hình phục vụ dự án giải cứu sao la. Mỗi cuộc đặt bẫy ảnh kéo dài khoảng 60 ngày, các vị trí đã được xây dựng sẵn, ở những nơi có tiềm năng phát hiện loài này nhất.
Khi hỏi đến việc phải chăng sao la đã tuyệt chủng, nếu có sao chưa thấy, hay là do chưa gặp may mắn, ông Toàn cho rằng: "Chưa thể kết luận được. Bởi có những khu rừng con người chưa thể chạm chân tới, mặt khác địa hình đồi núi nằm khu vực biên giới Việt -Lào, loài động vật di chuyển, giao thoa qua lại. Dù chưa có thông tin, nhưng không thể nhận định đã tuyệt chủng để dừng tìm kiếm".
Ông Toàn bày tỏ, nếu loài này vẫn còn tồn tại mà đến nay các nhà khoa học chưa ghi nhận được có thể là thiếu sự may mắn hoặc chưa tiếp cận được vùng nó sinh sống.
"Đơn vị vẫn không ngừng hy vọng tìm kiếm được loài sao la. Chưa tìm thấy loài này cũng đang thách thức cho các nhà làm bảo tồn”, ông Toàn nhận định.
Hoài Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hon-30-nam-di-tim-dau-chan-loai-thu-bi-an-post1730570.tpo