Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)
Từ đầu tháng 5/2025 đến nay, mưa lớn kèm theo dông, lốc đã làm hơn 40 ngôi nhà tại tỉnh Cao Bằng bị ảnh hưởng, nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ, lũ quét cao.
Chính quyền địa phương đang khẩn trương rà soát, cảnh báo và tìm phương án hỗ trợ người dân trước diễn biến thời tiết phức tạp trong thời gian tới.
Theo thống kê của Văn phòng Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh Cao Bằng, địa phương này đang có 310 điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét. Trong đó, nhiều nhất là huyện Nguyên Bình với 108 điểm, Bảo Lâm có 38 điểm, Bảo Lạc có 28 điểm...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyên Bình Mã Văn Vịnh cho biết, hầu hết các điểm có nguy cơ sạt lở đều đã xuất hiện từ bão số 3 (bão Yagi) năm 2024. Người dân tại một số điểm cũng đã di dời ra khỏi nơi có nguy cơ. Địa phương thường xuyên vận động, tuyên truyền để người dân ở các điểm có nguy cơ sạt lở di dời.
Tuy nhiên, Nguyên Bình là một huyện nghèo, các điểm có nguy cơ sạt lở chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, địa hình chủ yếu là đồi núi cao và tỉ lệ hộ nghèo cao, thiếu quỹ đất chung nên nhiều gia đình vẫn chưa thể di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở...
Việc di dời hàng trăm hộ ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét là điều không dễ với hầu hết các huyện của tỉnh Cao Bằng, trong đó có Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa...
Mặc dù, địa phương đã huy động các nguồn lực để triển khai các dự án định canh, định cư cho người dân vùng thiên tai nhưng do kinh phí hạn chế, các dự án này chậm tiến độ nên nhiều hộ dân vẫn phải sống trong vùng nguy cơ cao, đối mặt với những rủi ro khi mưa lớn xảy ra...
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ký ban hành văn bản số 1459/UBND-KT ngày 20/5/2025 đề nghị các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, sạt lở, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng tránh.
Các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra các điểm, khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, đặc biệt lưu ý các hộ dân chưa di dời nhà ở tại những khu vực đã có hiện tượng nứt, sụt lún đất trong cơn bão số 3 năm 2024; sẵn sàng phương án sơ tán dân khẩn cấp khi có tình huống thiên tai nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “Bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, tổ chức kiểm tra phát hiện dấu hiệu sụt lún, sạt lở đất khu vực dân cư; thường trực và sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra./.
(TTXVN/Vietnam+)