Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện trên cả nước có 303 cơ sở đăng kiểm và các chi nhánh với 559 dây chuyền kiểm định. Trong số này có 286 cơ sở đăng kiểm đang hoạt động với 474 dây chuyền kiểm định.
6 tháng đầu năm 2025, các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước kiểm định trên 2,4 triệu lượt phương tiện, trong đó hơn 333 nghìn phương tiện trượt đăng kiểm lần đầu (ảnh minh họa).
Thống kê 6 tháng đầu năm 2025, các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đã kiểm định hơn 2,4 triệu lượt phương tiện, trong đó gần 2,1 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT và BVMT). Hơn 333 nghìn lượt phương tiện (chiếm 13,8%) không đạt tiêu chuẩn ATKT và BVMT phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Theo khảo sát từ các cơ sở đăng kiểm, lỗi hư hỏng khiếm khuyết khiến các phương tiện bị trượt đăng kiểm tập trung chủ yếu do hệ thống phanh, đèn, khí thải…
Cùng đó, Cục Đăng kiểm VN đã phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 2 cơ sở đăng kiểm (17-01D và 17-02D); tổ chức đáng giá đăng kiểm viên cho 253 đăng kiểm viên (đánh giá lần đầu 59 đăng kiểm viên, đánh giá lại 100 đăng kiểm viên hạng II, 94 đăng kiểm viên hạng I).
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận chất lượng đối với xe cơ giới, phương tiện giao thông và thiết bị công nghiệp.
Cụ thể, Cục đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 16.700 hồ sơ xe cơ giới, trong đó có 14.200 hồ sơ xe nhập khẩu và 2.500 hồ sơ xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Qua đó, đã cấp gần 198.000 giấy chứng nhận chất lượng điện tử cho xe nhập khẩu, 140 giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, và khoảng 2.000 giấy chứng nhận kiểu loại phương tiện, linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp.
Trong lĩnh vực thử nghiệm an toàn và khí thải xe cơ giới đường bộ, Cục đã tiến hành kiểm tra gần 800 mẫu, bao gồm 240 mẫu ô tô, 220 mẫu động cơ, và 340 mẫu xe mô tô, xe gắn máy. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã thử nghiệm và cấp báo cáo cho 600 xe ô tô, rơ moóc, sơ-mi rơ moóc cùng khoảng 1.400 linh kiện ô tô, cũng như 370 xe mô tô, xe đạp điện và hơn 1.500 linh kiện xe máy.
Ở lĩnh vực đăng kiểm đường sắt, Cục đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho khoảng 1.830 lượt phương tiện, gồm 1.670 toa xe và 160 đầu máy, phương tiện chuyên dùng.
Đối với lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy và sản phẩm công nghiệp, các đơn vị trực thuộc đã kiểm tra gần 2.000 sản phẩm công nghiệp, chứng nhận 19 cơ sở chế tạo và cung cấp dịch vụ, ban hành 270 văn bản ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm quốc tế thực hiện kiểm tra sản phẩm chế tạo tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã chứng nhận 300 thợ hàn, kiểm tra gần 600 thiết bị nhập khẩu, 35 thiết bị chế tạo trong nước, thẩm định 9 thiết kế thiết bị xếp dỡ và áp lực, cũng như kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho hơn 1.900 thiết bị xếp dỡ và 3.100 thiết bị áp lực. Ngoài ra, cơ quan còn cấp 1 giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện kiểm định và 25 chứng chỉ kiểm định viên an toàn lao động.
Những kết quả này cho thấy nỗ lực của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng phương tiện và thiết bị trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Yến Chi