Hơn 380 doanh nghiệp tham gia triển lãm về máy móc, thiết bị dệt may và da giày

Hơn 380 doanh nghiệp tham gia triển lãm về máy móc, thiết bị dệt may và da giày
2 giờ trướcBài gốc
Năm nay, VTG được tổ chức cùng với Triển lãm quốc tế phụ liệu dệt & may Việt Nam (VITATEX), Triển lãm quốc tế công nghiệp nhuộm và hóa chất Việt Nam (DYECHEM), và Triển lãm quốc tế máy móc và nguyên liệu giày dép Việt Nam (VFM), tạo nên một chuỗi triển lãm toàn diện về chuỗi cung ứng ngành dệt may và công nghiệp phụ trợ.
Triển lãm quy tụ hơn 380 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam… với diện tích trưng bày sản phẩm hơn 15.000 m2.
Trong đó, VITATEX trưng bày những tiến bộ công nghệ mới nhất trong vải, sợi và phụ liệu, cung cấp một loạt giải pháp dệt may toàn diện. Các giải pháp tiên tiến từ máy móc giày dép đến máy may vi tính, tập trung vào thúc đẩy chuyển đổi trong sản xuất giày dép và các giải pháp nhuộm thân thiện với môi trường để giúp ngành dệt may Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn ESG nghiêm ngặt của EU.
Còn DYECHEM có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế giới thiệu các giải pháp nhuộm thân thiện với môi trường. Những giải pháp này được thiết kế để hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn ESG nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU), giúp nâng cao tính bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.
Các doanh nghiệp chủ chốt của VFM 2024 cũng trưng bày các giải pháp tiên tiến từ máy móc giày dép đến máy may vi tính tập trung vào thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp trong sản xuất giày dép.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam ra các thị trường lớn phục hồi tích cực
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Việt Nam đã được 73 quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây là một động thái tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Vinatex cũng thông tin, tính hết tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ, hiện tại thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%, đứng đầu ở thị phần Mỹ; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%.
Vì vậy, VTG 2024 không chỉ là một triển lãm về chuỗi cung ứng dệt may, mà còn đóng vai trò như một sự kiện quan trọng tạo cơ hội giao thương và cải tiến công nghệ, trao đổi chuyên môn và là chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của toàn ngành, giúp Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Cũng trong khuôn khổ của triển lãm sẽ diễn ra các buổi hội thảo xoay quanh các chủ đề như: Tiến bộ công nghệ, tự động hóa và tính bền vững trong ngành dệt may Việt Nam; Nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu; Triển vọng kinh tế của Việt Nam đối với ngành giày dép, và chiến lược nâng cao giá trị ngành thông qua các chuỗi cung ứng vải có tác động cao.
Triển lãm diễn ra trong 3 ngày từ nay đến hết ngày 28/9/2024.
Thu Trang
Báo Công thương, Vinatex
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/hon-380-doanh-nghiep-tham-gia-trien-lam-ve-may-moc-thiet-bi-det-may-va-da-giay-33741.html