Hơn 4,3 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam trong tháng đầu năm 2025

Hơn 4,3 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam trong tháng đầu năm 2025
3 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/1/2025 đạt 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 282 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 1,29 tỷ USD, giảm 6,6% về số dự án và giảm 43,6% lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 869,7 triệu USD, chiếm 67,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 248,5 triệu USD, chiếm 19,3%; các ngành còn lại đạt 168,7 triệu USD, chiếm 13,1%.
Trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 01/2025, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 380,3 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 372,3 triệu USD, chiếm 28,9%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 103,6 triệu USD, chiếm 8,1%; Hoa Kỳ 98,4 triệu USD, chiếm 7,6%; Nhật Bản 52,1 triệu USD, chiếm 4,1%.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tháng 1 qua các năm
Vốn đăng ký điều chỉnh có 137 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 2,73 tỷ USD, gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,96 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,0 tỷ USD, chiếm 25,1%; các ngành còn lại đạt 47,5 triệu USD, chiếm 1,2%.
Về góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, trong tháng 1/2025 có 260 lượt với tổng giá trị góp vốn 322,9 triệu USD, tăng 70,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 92 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 176,8 triệu USD và 168 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 146,1 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 136,8 triệu USD, chiếm 42,4% giá trị góp vốn; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 132,9 triệu USD, chiếm 41,1%; ngành còn lại 53,2 triệu USD, chiếm 16,5%.
Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tại Việt Nam tháng 1 các giai đoạn
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2025, ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 83,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 72,6 triệu USD, chiếm 4,8%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 72,5 triệu USD, chiếm 4,7%.
Theo Seasia Stats – website cung cấp dữ liệu kinh tế và xã hội ở Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng phát triển và mở rộng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư từ nước ngoài.
Báo cáo bằng đồ họa “15 nền kinh tế lớn nhất Châu Á năm 2025” của Seasia Stats dựa trên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang ước tính quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 506 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, mang tới nhiều cơ hội thương mại và đầu tư.
Danh sách 15 nền kinh tế lớn nhất Châu Á 2025 (Nguồn: Seasia Stats)
Trung tâm KRF chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu có trụ sở tại Bangladesh, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược và tầm quan trọng đối với nền kinh tế châu Á. Khung pháp lý hiệu quả, minh bạch và môi trường đầu tư thuận lợi đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầy hứa hẹn đối với các doanh nghiệp.
Việt Nam cũng tích cực tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu, giúp củng cố vị thế “điểm đến yêu thích của thương mại quốc tế” và trở thành lựa chọn tuyệt vời đối với các nhà sản xuất mong muốn mở rộng hoạt động, giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa sản xuất.
Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành diễn ra vào sáng 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam nằm trong top 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với gần 40 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt gần 25 tỷ USD.
Sức mạnh của kinh tế Việt Nam đã thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát và Việt Nam ngày càng khẳng định, củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Năm 2025 sẽ là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt cơ hội, triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài công nghệ cao tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết Việt Nam đã và đang thu hút được những luồng vốn FDI một cách có chất lượng. Thực hiện chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn mới, Việt Nam đặt mục tiêu không chỉ thu về số lượng và hướng đến FDI chất lượng từ các công ty đa quốc gia nằm trong top 500, từ những nước phát triển.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, để đón đầu các dự án FDI thế hệ mới, các khu công nghiệp cần chú trọng phát triển môi trường xanh, quan tâm đến ESG (đo lường tính bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường, xã hội và quản trị), giảm phát thải carbon… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là việc phát triển khu công nghiệp xanh, hạ tầng xanh không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh.
Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị, sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Các điều kiện cơ bản như đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực đã có rất nhiều đổi mới trong năm 2024, nhất là nguồn nhân lực có sự đào tạo 50.000 kỹ sư, người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và chip bán dẫn.
“Khi tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, rõ ràng Việt Nam đã cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại, sẽ là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng hơn trong việc thu hút FDI; đặc biệt, cần sàng lọc các dự án FDI. Ví dụ như yêu cầu các doanh nghiệp FDI đầu tư vào việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải xây dựng nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương và tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa. Chỉ khi doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện này, họ mới được hưởng các ưu đãi.
Theo nhiều dự báo đã đưa ra trước đó, thu hút FDI toàn cầu năm 2025 còn nhiều thách thức; đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Điều này cũng đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế
Quang Vũ
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/hon-43-ty-usd-von-fdi-do-vao-viet-nam-trong-thang-dau-nam-2025-post557620.html